Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động

Xác định đúng vị trí, vai trò, chức năng

- Thứ Hai, 30/08/2021, 06:46 - Chia sẻ
Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động có đối tượng điều chỉnh hết sức quan trọng, liên quan đến một trong những lực lượng vũ trang có vai trò cốt yếu trong bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Phát triển từ Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, Dự thảo hướng tới việc xây dựng đội ngũ cảnh sát cơ động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Để làm được điều này, nhiều ý kiến cho rằng cần xác định đúng, đủ vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động cũng như quy định một cách chặt chẽ những quyền hạn của cảnh sát cơ động.
Nguồn: ITN

Quy định về chức năng chưa đầy đủ

Theo Ths. Đậu Công Hiệp, Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội, so với Pháp lệnh, quy định của dự thảo Luật là “Cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân chuyên trách, nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” đã chuẩn hóa các khái niệm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội theo đúng tinh thần Luật Công an nhân dân, đồng thời không nhầm lẫn giữa “chức năng” với “nhiệm vụ”.

Tuy nhiên, theo Luật Công an nhân dân, công an nhân dân có chức năng “bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”. Việc Dự thảo chỉ nhắc tới chức năng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội mà không nhắc tới chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là chưa đầy đủ, tương thích với Luật Công an nhân dân.

Thực tế, lực lượng cảnh sát cơ động cũng tham gia vào các chức năng trên và thậm chí trong nhiều trường hợp đóng vai trò tuyến đầu khi đấu tranh, phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, cần làm rõ và sâu sắc hơn tính “vũ trang” của lực lượng cảnh sát cơ động. Đây mới chính là điểm khác biệt căn bản khi so sánh với các lực lượng khác như cảnh sát điều tra chú trọng vào nghiệp vụ tư pháp, cảnh sát giao thông chú trọng vào quản lý hành chính, hay lực lượng tình báo, thi hành án… vì các lực lượng này cũng thuộc Công an nhân dân, tức là đều có tính “vũ trang”.

Dự thảo Luật xác định 10 nhiệm vụ cơ bản của cảnh sát cơ động, trong đó kế thừa 7 nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, bổ sung 3 nhiệm vụ trên thực tế cảnh sát cơ động đang thực hiện cần được luật hóa; quy định cụ thể 8 quyền hạn của cảnh sát cơ động, trong đó có 2 quyền hạn mới được bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tế.

Bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, nhiều hoạt động của cảnh sát cơ động có thể ảnh hưởng đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Theo TS. Mai Thị Mai, Đại học Luật Hà Nội, các nội dung có liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân trong Dự thảo Luật đã được xem xét tương đối đầy đủ song vẫn còn một số quy định cần được cân nhắc kỹ.

Đơn cử, theo Khoản 5, Điều 11, Dự thảo, cảnh sát cơ động có quyền “Huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp cấp bách theo quy định tại Điều 18 của Luật này và pháp luật có liên quan”. Đây là nội dung liên quan trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân. Nội dung của khoản này đã dẫn chiếu đến Điều 18, Dự thảo quy định chi tiết các trường hợp, thẩm quyền của chủ thể cho phép huy động phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, cũng như các trường hợp người, tài sản bị huy động làm nhiệm vụ thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách đền bù. Chính vì vậy, cần bổ sung quy định về nguyên tắc huy động tài sản, loại tài sản nào được phép huy động, huy động ở mức độ nào… Trường hợp tình hình chưa đến mức cấp bách mà cán bộ, chiến sĩ lại huy động tài sản của người dân và gây thiệt hại thì sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào để tránh lúng túng khi áp dụng trên thực tiễn cũng như tránh tình trạng lợi dụng việc thi hành công vụ gây tổn hại đến tài sản của người dân.

Hiện nay việc đi vào nơi ở của người dân để thực hiện hoạt động công vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật mà trực tiếp là Luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, các quy định của Luật Tố tụng hình sự năm 2015 lại không nhắc đến lực lượng cảnh sát cơ động. Do đó, Dự thảo luật cần có quy định cụ thể hoặc dẫn chiếu đến Luật Tố tụng hình sự năm 2015 để bảo đảm chặt chẽ về trình tự, thủ tục đối với một trong những hoạt động can thiệp trực tiếp đến một trong những quyền cơ bản của con người và công dân. Cùng quan điểm này, đại diện Ủy ban Dân tộc cũng cho rằng cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn về việc cảnh sát cơ động đi vào nơi ở cá nhân để bảo đảm không xâm phạm quyền về nơi ở của công dân theo hướng quy định rõ thẩm quyền quyết định; trình tự, thủ tục; các trường hợp được vào nơi ở của cá nhân...

Hoàng Tuấn