Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021:

Xác định rõ điểm nghẽn và "vùng trũng" của tăng trưởng

- Chủ Nhật, 05/12/2021, 11:28 - Chia sẻ
Tham luận tại Phiên toàn thể - Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 sáng nay, 5.12, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, khi đặt vấn đề hỗ trợ cho phục hồi kinh tế, thì cần xác định điểm nghẽn và vùng trũng của tăng trưởng. Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, cần thẳng thắn trả lời câu hỏi: Chúng ta rơi vào "vùng trũng" tăng trưởng có phải do sự can thiệp chưa đủ mạnh? Có cần gói hỗ trợ đủ về quy mô, tính cấp thiết, kịp thời, nhanh chóng đi thẳng vào nền kinh tế hay không?
Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam PGS. TS Bùi Quang Tuấn trình bày tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021
Ảnh: Lâm Hiển

Doanh nghiệp cần được "bơm máu" sớm

Đánh giá về tình hình kinh tế, PGS.TS Bùi Quang Tuấn quan tâm đến chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong 3 quý của năm 2021 với mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm gần đây, khi chỉ tăng 1,42%. So sánh với hai cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn đầu năm 2008 cũng cho thấy, tác động dịch bệnh Covid- 19 mới làm cho nền kinh tế tăng trưởng ở mức thấp nhất, tức là khủng hoảng xuất phát từ "nguyên nhân phi kinh tế đôi khi trầm trọng hơn xuất phát từ nguyên nhân kinh tế".

Dù có một số dấu hiệu cho thấy, Việt Nam đã phục hồi, như chỉ số sản xuất công nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới, số lao động của tháng 11 tăng so với tháng trước; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, vốn FDI đăng ký mới và số vốn giải ngân tăng..., nhưng PGS.TS Bùi Quang Tuấn lưu ý, cần quan tâm đến những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp khi tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong tháng 11.2021 vẫn tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng 3,8%.

Do vậy, "dù đã triển khai Nghị quyết 128-NQ/CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, nhưng vấn đề đặt ra với quá trình phục hồi của chúng ta là chưa kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, chưa bảo đảm độ an toàn. Chưa kể, với chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2 hiện đã xuất hiện ở 38 quốc gia trên thế giới và tiếp tục lây lan, số ca mắc mới của các tỉnh, thành phố trong nước đang tăng lên cũng đe dọa đáng quan ngại với quá trình phục hồi thời gian tới", PGS.TS Bùi Quang Tuấn chỉ rõ.

Một vấn đề khác cần quan tâm, theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, là nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, vì nếu chủng mới xuất hiện sẽ phải triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn - đây sẽ là một thách thức với quá trình phục hồi. Ngoài ra, hiện nay doanh nghiệp cũng đang thiếu nguồn vốn trầm trọng, không còn khả năng thế chấp để có thể tiếp cận nguồn tín dụng. Do vậy, "vấn đề cần quan tâm hiện nay là doanh nghiệp đang thiếu máu, cần được bơm máu sớm", PGS.TS Bùi Quang Tuấn nói.

Từ những khó khăn và thách thức nêu trên, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nêu rõ, khi đặt vấn đề hỗ trợ cho phục hồi kinh tế thì cần xác định "điểm nghẽn" và "vùng trũng" của tăng trưởng; và thẳng thắn trả lời câu hỏi: Chúng ta rơi vào vùng trũng tăng trưởng có phải do sự can thiệp chưa đủ mạnh? Có cần gói hỗ trợ đủ về quy mô, tính cấp thiết, kịp thời, nhanh chóng đi thẳng vào nền kinh tế hay không?

Phục hồi số và phục hồi tăng trưởng xanh - thách thức lớn với Việt Nam

Bên cạnh những vấn đề ngắn hạn nêu trên, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, "những vấn đề dài hạn với tăng trưởng của nước ta vẫn đang còn đó", khi chỉ số phản ánh chất lượng tăng trưởng, như ICOR, năng suất tổng hợp, năng suất lao động đều ở "vùng trũng", nếu so sánh trong khu vực sẽ thấy nguy cơ tụt hậu cục bộ, bỏ lỡ cơ hội phát triển. Ngoài ra, các yếu tố tạo nền tảng cho tăng trưởng trong dài hạn, như chuyển đổi số, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng trưởng xanh đều mới thực hiện ở phần thể chế, chính sách, chưa có thay đổi cụ thể, xanh hóa sản xuất, tiêu dùng bền vững đều chưa làm được bao nhiêu. “Phục hồi số và phục hồi tăng trưởng xanh đều là những thách thức lớn với Việt Nam”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho biết.

Dẫn số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhận thấy, nước ta đang ở "vùng trũng của can thiệp", trong khi đó, các nước càng giàu càng sử dụng tỷ lệ GDP nhiều hơn để can thiệp vào nền kinh tế. Nói cách khác, "vấn đề của chúng ta có lẽ là can thiệp chưa đủ nên rơi vào vùng trũng, đầu tư cho các động lực tăng trưởng thấp nên chưa thoát khỏi mức tăng trưởng trung bình thấp", PGS.TS khuyến nghị.

Lê Bình