Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế:

Xác định rõ thời gian thí điểm

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 12:56 - Chia sẻ
Thảo luận tại tổ 2 sáng nay, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.
Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Lại Xuân Môn (Cao Bằng)
Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lại Xuân Môn (Cao Bằng) nhấn mạnh, cơ chế đặc thù nhằm khai thác lợi thế ở các địa phương, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt cản trở đến sự phát triển, tạo sự bứt phá, khác biệt, lan tỏa. Tuy nhiên, các địa phương đã có cơ chế đặc thù cũng cần tiến hành tổng kết quá trình thực hiện đã làm được gì và chưa được gì. Theo đó, việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù với thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế cần xác định rõ thời gian thực hiện thí điểm đến bao giờ để tổng kết, đánh giá.

Quan tâm đến tổ chức bộ máy ở 4 tỉnh, thành phố thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, ĐBQH Bùi Văn Cường (Hải Dương) cho biết, hiện nay chúng ta quy định cấp phó ở các sở, ngành, địa phương đều là 3 người. Nhưng, chính sách đặc thù đối với các địa phương có diện tích rộng, dân số đông cần tăng thêm cấp phó so với số đã quy định, tạo điều kiện cho các địa phương này giải quyết nhiệm vụ, yêu cầu của địa bàn đặt ra. Ví dụ một số sở, ngành như Sở Nông nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh là đầu mối rất nhiều việc, nếu chỉ có 3 cấp phó rất khó đảm đương công việc, nên buộc phải điều tiết cán bộ từ các Sở khác: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tư pháp, trong khi thực tế các sở này khối lượng công việc rất nhiều. Do vậy, nên chăng cũng có chính sách đặc thù về con người, tức là tăng thêm cấp phó cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, nhằm thúc đẩy sự phát triển.

Một số đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế khi năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát các quỹ tài chính, qua đó nhận thấy số lượng quỹ tài chính phát sinh quá nhiều, không hiệu quả, thậm chí làm phát sinh chi phí quản lý. ĐB Y Thanh Hà Niê Kđăm (Gia Lai) nêu quan điểm, sửa chữa trùng tu các di sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đòi hỏi phải có khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng khả năng chi ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 50 tỷ đồng. Nguồn thu từ bán vé thăm quan, di sản Huế còn thấp (Campuchia, Thái Lan cao gấp 1,5 - 2 lần nước ta). Trong bối cảnh ngân sách nhà nước có hạn, mong muốn trùng tu di sản Huế sẽ rất lâu mới thực hiện được. Hơn nữa, đặc điểm của di sản Huế là vừa thuộc sở hữu công, vừa thuộc sở hữu tư. Vậy đồng bộ bảo tồn như thế nào, khi mà phần di sản tư lại không được ngân sách nhà nước bảo đảm. Mặt khác, các địa phương xung quanh Huế trong chuỗi phát triển kinh tế dịch vụ cũng có mong muốn hỗ trợ, cùng đồng hành trong duy tu, bảo dưỡng di sản, nhưng theo nguyên tắc, Thừa Thiên Huế không được phép nhận tiếp nhận các nguồn kinh phí này. Tháo gỡ vấn đề này, dự thảo Nghị quyết cho phép quỹ được tiếp nhận các nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác, không sử dụng ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ quỹ. Như vậy đã xác định rõ nguồn thu của quỹ và mục đích sử dụng, thì trong điều kiện đặc thù của Thừa Thiên Huế, đô thị di sản Việt Nam, ĐB Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị, nên cho phép thành lập quỹ, đồng thời có cơ chế giám sát phù hợp hơn với mô hình quỹ tài chính ngoài ngân sách, chứ không buông lỏng quản lý, không để phát sinh tình trạng lạm dụng, sử dụng quỹ không đúng mục đích.

Hồ Long