Xác định rõ trách nhiệm đối với người dân

- Thứ Năm, 11/11/2021, 19:44 - Chia sẻ
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, về vấn đề dư luận Nhân dân đang rất quan tâm ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đặt ra liên quan đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước, có hay không sự lúng túng, bị động không khi nhiều lao động từ các tỉnh, thành về quê tránh dịch, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu giải trình thêm, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, nhất là của Nhà nước đối với người dân. Đông đảo cử tri kỳ vọng, với tinh thần trách nhiệm của đại biểu, sự quyết liệt trong điều hành, vấn đề này tiếp tục được làm rõ hơn để có sự chỉ đạo, điều hành kịp thời hơn.

Bài học kinh nghiệm gì trong phân tích, đánh giá, dự báo?

Trong phiên chất vấn buổi chiều 10.11 đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đã đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở đâu? Có sự lúng túng, bị động không khi nhiều lao động từ các tỉnh, thành về quê tránh dịch? Đây là một câu hỏi lớn dư luận Nhân dân đang rất quan tâm. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, có một phần trách nhiệm chứ không phải Bộ chịu trách nhiệm chính vì vấn đề này còn liên quan liên quan đến cả việc di dân, vấn đề an ninh, trật tự, đi lại… liên quan rất nhiều bộ, ngành...

Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia chất vấn 
Ảnh: Quang Khánh

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, làn sóng lao động rời bỏ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam về các địa phương không chỉ một lần, mà là ba lần. Nhấn mạnh đây là ý kiến ĐBQH Trần Đình Gia và những ý kiến của cử tri đã được tổng hợp thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Đoàn ĐBQH gửi về Kỳ họp thứ Hai, Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Từ nay cho đến kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ thêm vấn đề này trước Quốc hội và trước cử tri. Chúng ta phải xác định rõ nguyên nhân vì sao, trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan như thế nào, nhất là trách nhiệm của Nhà nước đối với người dân – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là giải pháp giải quyết việc thiếu hụt lao động ở các thị trường này, giải quyết sinh kế là việc làm cho người lao động đang đi về các tỉnh. Quan trọng hơn nữa là qua việc này chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì trong phân tích, đánh giá, dự báo? Cần phải thảo luận các nguyên nhân và trách nhiệm giải quyết các vấn đề sắp tới như thế nào và cần làm gì để không tái diễn thực trạng trên. Trách nhiệm của Trung ương và cả chính quyền địa phương nơi có lao động rời đi và địa phương trở về, cách thức tổ chức nhận lại lao động như thế nào cũng là vấn đề cử tri rất quan tâm.

Yêu cầu làm rõ trách nhiệm một lần nữa được Chủ tịch Quốc hội nhắc lại sau phần giải trình thêm của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sáng 11.11.

Chỉ đạo, điều hành kịp thời hơn

Rất quan tâm và trăn trở vấn đề này, cử tri Nguyễn Đức Dũng - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị cho rằng: Khi làn sóng thứ tư của dịch bệnh bùng phát ở thành phố Hồ Chí Minh, trong điều kiện cơ sở vật chất và năng lực của hệ thống y tế còn nhiều bất cập, nhất là công tác chỉ đạo truy vết dập dịch chậm nên đã để xảy ra tình trạng không kiểm soát được. Đau thương, mất mát khó có thể đong đếm hết được. Tác động lo lớn của đại dịch (do giãn cách, phong tỏa kéo dài) đã khiến một lực lượng lao động và gia đình họ, nhất là nhóm lao động tự do lâm vào cảnh vô cùng khó khăn do không có việc làm, nhu cầu trở về quê rất lớn và bức bách. Đáng tiếc là Chính phủ và chính quyền địa phương đã chưa kịp thời có chủ trương thống kê và chỉ đạo các ngành Giao thông, đường sắt, đường không, ô tô thông qua hỗ trợ của nhà nước và xã hội kịp thời đưa đón người dân theo nguyện vọng chính đáng của họ.

Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc Ảnh: Quang Khánh
Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc
Ảnh: Quang Khánh

“Tình trạng mạnh ai nấy làm là biểu hiện sự thiếu trách nhiệm trước dân - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Dũng nhấn mạnh và minh chứng thêm: Thực tế đã có kinh nghiệm từ thành phố Đà Nẵng trong đợt dịch thứ 2. Theo đó, thành phố đã triển khai Cầu hàng không với hàng chục chuyến bay mỗi ngày để giãn khách và lao động ra khỏi địa bàn về các địa phương cách ly rất kịp thời. Đây không chỉ là thể hiện trách nhiệm của chính quyền trước dân mà cũng là một giải pháp quan trọng kiểm soát được lượng người từ vùng dịch về quê để bố trí cách ly hợp lý, tránh không để dịch lây lan từ những nhóm người lao động tự phát về quê không được kiểm soát chặt.

Cũng rất trăn trở về vấn đề này, cử tri Nguyễn Vân Hậu – Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên Giáo thành ủy Bảo Lộc, Lâm Đồng cho rằng: Khi liên tiếp các làn sóng lao động rời bỏ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam về các địa phương, nhiều tỉnh có quan tâm bố trí phương tiện đón dân về nhưng cách làm chưa bao quát hết. Nhiều người lo lắng, bất an nên đã tự phát về quê bằng phương tiện cá nhân rất khổ cực, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra. Điều đáng tiếc là khi người lao động ào ạt về quê đã không có sự chỉ đạo, bố trí kịp thời để chủ động đón, vận chuyển dân và để quản lý phòng dịch tốt hơn. Đây là vấn đề cần được nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm để có sự chỉ đạo, điều hành nhanh hơn, kịp thời hơn– cử tri bày tỏ mong muốn.

Ở khía cạnh khác, với góc nhìn của một người dân sống ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lo lắng cho mọi diễn biến bất lợi của vùng đất này, cử tri Nguyễn Thị Oanh – Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Đồng Nai cho rằng: Thời điểm người lao động ồ ạt dời đi, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân đã rất nỗ lực, cố gắng để vận động, thuyết phục, giúp đỡ, hứa hẹn, tạo điều kiện kể cả xử lý nhưng dòng người vẫn về quê. “Tôi cảm nhận lý do lớn hơn, đó là do sự kiệt quệ về tinh thần của người lao động trong thời điểm đó. Mà sự kiệt quệ này chúng ta có thể hiểu được” – cử tri nhấn mạnh và tin rằng đây là bài học kinh nghiệm trong phân tích, đánh giá, dự báo để phản ứng kịp thời hơn. Một vấn đề nữa cũng cần quan tâm thời điểm này chính là cách thức tổ chức nhận lại lao động để tạo điểu kiện cho người lao động có nhu cầu và không để “đứt gãy” các chuỗi sản xuất, thúc đẩy phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh để thích ứng an toàn, linh hoạt hơn với dịch bệnh – cử tri bày tỏ mong muốn.

Đông đảo cử tri kỳ vọng, với sự vào cuộc trách nhiệm của đại biểu, nhất là quyết liệt trong điều hành của Chủ tọa, vấn đề này sẽ tiếp tục được làm rõ hơn để có những giải pháp tổng thể, giúp Chính phủ, chính quyền địa phương chỉ đạo, điều hành kịp thời hơn trước những nguyện vọng chính đáng của người lao động.

THÁI AN