Xác định thứ tự ưu tiên các nhóm giải pháp tạo bứt phá

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 05:50 - Chia sẻ
Trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV chiều qua, 29.10 về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), tại điểm cầu các địa phương, nhiều ĐBQH đã khẳng định sự cần thiết của các nội dung này. Đồng thời nhấn mạnh: Cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh hiện nay để có kịch bản, giải pháp phù hợp, sát thực tế; cần lộ trình cụ thể thực hiện các chỉ tiêu; xác định thứ tự ưu tiên thực hiện các nhóm giải pháp để tạo bứt phá.

ĐBQH ĐẶNG BÍCH NGỌC (Hòa Bình):
Lộ trình cụ thể thực hiện các chỉ tiêu

Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tôi hoàn toàn đồng tình về sự cần thiết phải ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Nhất là trong bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và thế giới đang có nhiều thay đổi dưới tác động to lớn của đại dịch Covid-19. Đây cũng là cơ sở để triển khai hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. 

Đối với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhất là với 5 chỉ tiêu không đạt trong giai đoạn 2016 - 2020, tôi đề nghị cần có phân tích, đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp chi tiết thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu. Đặc biệt, cần có lộ trình cụ thể về thời gian và giải pháp thực hiện các chỉ tiêu này. Đối với những chỉ tiêu mới được bổ sung, cần phân tích kỹ lưỡng trên cơ sở đặt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục có những diễn biến khó lường. Từ đó, xây dựng kịch bản cụ thể, tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện.

Về giải pháp, tôi cơ bản đồng tình với 5 nhóm giải pháp trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cần xác định thứ tự ưu tiên thực hiện các nhóm giải pháp để tạo bứt phá và tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong triển khai thực hiện. Mỗi nhóm giải pháp cũng cần phải đưa ra nhiệm vụ cụ thể, chi tiết. Về nguồn lực và phương thức huy động, theo tôi cần đánh giá và phân tích kỹ lưỡng; gắn với kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm các điều kiện tốt nhất để ngay sau khi kế hoạch được ban hành, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu sẽ đạt được kỳ vọng ban đầu đề ra.

ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc):
Kịch bản, giải pháp phù hợp, sát thực tế

Trước hết, cần khẳng định việc xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 hết sức cần thiết. Theo tôi, cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và có những yếu tố bất định, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể kéo dài để có kịch bản, giải pháp phù hợp, sát thực tế. Chính phủ cần tập trung ưu tiên và có giải pháp rõ ràng, hiệu quả hơn để hoàn thành việc cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm mà giai đoạn trước chưa đạt. Đồng thời, cơ cấu lại ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các công trình trọng điểm quốc gia, các công trình mang tính kết nối vùng, kết nối địa phương; có giải pháp giải quyết dứt điểm các dự án yếu kém, thua lỗ, lãng phí, gây bức xúc trong Nhân dân.

Mặt khác, cần có các cơ chế, chính sách đặc thù về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế số, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển hạ tầng số đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế...

Đối với 5 mục tiêu chưa đạt trong giai đoạn 2021 - 2025, cần đặt thời hạn để sớm hoàn thành. Bên cạnh đó, Chính phủ cần nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 cho phù hợp, khả thi. Bởi, thời gian qua, tác động của  đại dịch Covid-19 đã khiến số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tăng mạnh; hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, năng lực tài chính của doanh nghiệp bị bào mòn, suy giảm đáng kể.

ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang):
Bảo vệ chặt đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên

Nghiên cứu Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài nguyên - Môi trường trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch bài bản, khoa học. Về quy hoạch trong giai đoạn 2011-2020, chúng ta đã cơ bản đạt được các chỉ tiêu Quốc hội quyết định (bình quân đạt 85,35%). Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ đã chỉ rõ, vẫn nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục, xử lý trong thời gian tới. Trong đó, có vấn đề điều chỉnh quy hoạch nhiều lần; tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở một số địa phương chưa nghiêm, chưa quyết liệt; tình trạng quy hoạch treo, dự án treo ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, gây lãng phí nguồn lực đất đai...

Theo quy định của Luật Quy hoạch, việc lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải căn cứ vào Quy hoạch tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt. Vì vậy, cơ quan chủ trì cần tiếp tục rà soát, bảo đảm tính tương thích, thống nhất và đồng bộ giữa các quy hoạch. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư giảm bớt thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 62 Luật Đất đai, tôi đề nghị phân cấp thẩm quyền chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư cho HĐND cấp tỉnh thay vì Thủ tướng Chính phủ quyết định trước đây. Đồng thời, Bộ Tài nguyên - Môi trường cần có quy định, hướng dẫn cụ thể việc “cập nhật quy hoạch sử dụng đất cấp huyện”; “lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đối với đất bãi bồi ven sông, đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển” để các địa phương cùng thống nhất cách làm, tránh trường hợp các cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện có sự không đồng nhất trong kết luận thanh tra, kiểm tra, gây khó khăn, lúng túng cho địa phương khi tổ chức thực hiện.

Chính phủ cũng cần chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị về việc bảo vệ chặt chẽ đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên. Đối với các địa phương được quy hoạch đất trồng lúa chuyên canh, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ người dân để tăng cường sản xuất lương thực, khôi phục đất hoang hóa đưa vào sử dụng, khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng như hiện nay; cần quy hoạch và sử dụng có hiệu quả đất công nghiệp, đô thị, tăng cường giải pháp quản lý chặt chẽ để nhanh chóng đưa đất được quy hoạch vào sử dụng, tránh lãng phí.

TRẦN TÂM - TRỌNG HIẾU - XUÂN VIỆT ghi