Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022:

Xác định trách nhiệm cụ thể của HĐND trong triển khai giám sát của Quốc hội

- Thứ Năm, 04/11/2021, 11:12 - Chia sẻ
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng nay, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, trong đó quy định các chế tài, hình thức xử lý cụ thể trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Đổi mới cả về phương thức, nội dung và quy trình giám sát

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội vừa qua đã có nhiều đổi mới cả về phương thức, nội dung và quy trình tổ chức thực hiện. Giám sát chuyên đề của Quốc hội tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, rõ nét với những chuyên đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân. Nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát được các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Thông qua hoạt động giám sát đã đánh giá được các tác động của cơ chế chính sách, tiếp tục phát huy những ưu điểm, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Công tác phối hợp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội với chính quyền địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Nhấn mạnh điều này, bà Phùng Thị Hồng Hà cũng cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã thể hiện rất cao trách nhiệm trong công tác phối hợp tổ chức giám sát chuyên đề của của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tại TP. Hà Nội với 33 chuyên đề giám sát; trong đó: 5 Đoàn giám sát của Quốc hội, 6 Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 22 Đoàn giám sát, khảo sát của các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời phối hợp, tham gia cùng Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội tổ chức 13 đoàn giám sát, khảo sát làm việc với cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô. Các nội dung giám sát chuyên đề được thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, các vấn đề an sinh được cử tri quan tâm.

Việc phối hợp và tham dự các buổi giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn ĐBQH Thành phố đã giúp HĐND các cấp Thành phố có thêm nhiều thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các Tổ đại biểu HĐND các cấp Thành phố; nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và kiến nghị các cấp, các ngành tiếp tục phát huy tính hiệu quả, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của HĐND; dự báo và đưa ra những giải pháp giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp thiết của địa phương, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị trên địa bàn. Ngoài ra, Thường trực HĐND Thành phố đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tăng cường công tác giám sát, tái giám sát việc thực hiện các kiến nghị tại báo cáo của các Đoàn giám sát, kịp thời đôn đốc, theo dõi các đơn vị việc thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu tại điểm cầu Hà Nội

Ảnh: Hồ Long 

Trên cơ sở quy định của Luật và tiếp thu các bài học kinh nghiệm từ các Đoàn giám sát của Quốc hội, trong nhiệm kỳ 2016-2021, hoạt động giám sát của HĐND các cấp TP. Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thường trực HĐND Thành phố đã tăng cường hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND các cấp nhất là trong việc lựa chọn các nội dung chuyên đề giám sát đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề khó khăn cần tháo gỡ của địa phương, đặc biệt là các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, gây bức xúc, được dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm và đề xuất. Đặc biệt có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Đoàn giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND với Thường trực HĐND tại các địa phương thực hiện giám sát. Kết quả, trong nhiệm kỳ vừa qua, HĐND, Thường trực HĐND Thành phố đã tổ chức được 23 cuộc giám sát, khảo sát; 4 Ban HĐND Thành phố tổ chức được 154 cuộc giám sát, khảo sát; các Tổ đại biểu HĐND Thành phố cũng đã tổ chức được 65 cuộc giám sát, khảo sát tại địa bàn ứng cử. HĐND cấp huyện đã thành lập 2.350 Đoàn giám sát; HĐND cấp xã đã thành lập 14.033 Đoàn giám sát.

Việc thực hiện các kết luận giám sát của Thường trực HĐND được UBND báo cáo tại các kỳ họp. Cụ thể trong nhiệm kỳ, cấp Thành phố có 919 kiến nghị sau giám sát, tỷ lệ giải quyết xong đạt 94,3%; cấp huyện có tổng số 12.615 kiến nghị sau giám sát, tỷ lệ giải quyết xong đạt 89%; cấp xã có 32.307 kiến nghị, tỷ lệ giải quyết xong đạt 91%. Trong đó, có kiến nghị liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương. Sau giám sát một số lĩnh vực đã có chuyển biến rõ rệt, như: công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; Phòng cháy, chữa cháy; quản lý đô thị; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân…

Tại Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội Khóa XV, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi. Chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát”. Các Nghị quyết giám sát của Quốc hội và Kế hoạch thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 đã bám sát chỉ đạo trên. Thường trực HĐND thành phố Hà Nội thống nhất với các mục đích, yêu cầu được nêu trong kế hoạch. Đồng thời, trong năm 2022 sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc báo cáo, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội; thực hiện đầy đủ, kịp thời và tham gia giám sát những kiến nghị, kết luận sau giám sát của các Đoàn giám sát đối với những nội dung thuộc trách nhiệm của chính quyền Thủ đô.

Tăng cường hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ, kỹ năng giám sát

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề trong công tác phối hợp của HĐND Thành phố tại các cuộc giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội kiến nghị:

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND), xác định trách nhiệm cụ thể của HĐND đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Trong xây dựng các Luật chuyên ngành cần quy định rõ thẩm quyền của HĐND, của Thường trực HĐND để đảm bảo HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, trong đó quy định các chế tài, hình thức xử lý cụ thể trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Tăng cường hoạt động hướng dẫn, trao đổi về nghiệp vụ, kỹ năng giám sát, nhất là giám sát chuyên đề giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố; đồng thời trao đổi, cung cấp thông tin về kết quả hoạt động giám sát chuyên đề giữa các cơ quan. Nghiên cứu phân công cơ quan chuyên trách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để làm nhiệm vụ, theo dõi, tổng hợp, tham mưu để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện điều hòa hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.

Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Quốc hội và HĐND các cấp thông qua hoạt động của Đoàn ĐBQH ở địa phương. Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trong các hoạt động, nhất là hoạt động giám sát chuyên đề.

Tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, nội dung tập trung vào một số lĩnh vực: công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh Covid-19; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; đồng thời tăng cường giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương về việc giải quyết các kiến nghị của địa phương và việc thực hiện các kết luận giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.

Nghiên cứu ứng dụng CNTT trong hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND các cấp. Trong đó, sử dụng phần mềm để theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, công tác giải quyết kiến nghị cử tri, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Trong 4 chương trình giám sát của Quốc hội thì Hà Nội có 2 nội dung phải báo cáo kết quả xong trong tháng 1.2022, 1 nội dung xong trong tháng 2.2022, Hà Nội mong muốn được điều hoà về thời gian đối với các địa phương giám sát, vì cuối năm là thời gian "về đích" nhiều nhiệm vụ trong phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.

Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, trong đó có việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện qua giám sát cho cơ quan điều tra để xử lý, đảm bảo thực hiện nghiêm túc kết luận sau giám sát.

Trung Thành