Xâm hại tình dục trẻ em: Nỗi ám ảnh

- Thứ Ba, 23/11/2021, 11:44 - Chia sẻ
Trẻ em là những người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Vì vậy, khi trẻ bị xâm hại tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài không chỉ cho trẻ em là nạn nhân trực tiếp mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình trẻ bị xâm hại và cộng đồng xã hội.

Bài 1: Gia tăng các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em 

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 121/2020/QH14 ngày 19.6.2020 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vào tháng 8.2021 thì tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, từ tháng 6.2020 - 6.2021 so với cùng  kỳ năm 2019 - 2020 thì việc xâm hại trẻ em tăng cả về số vụ, số đối tượng, số trẻ em bị xâm hại, lần lượt là 26,8%, 12,5%, 25,7%; nhất là hiếp dâm trẻ em tăng 13,2%.

Nhức nhối trẻ em bị xâm hại

Theo thống kê từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài đã tiếp nhận hỗ trợ 122 ca xâm hại tình dục trẻ em (tăng hơn cùng kỳ năm trước 13 ca). Trong đó, có 71 ca hiếp dâm trẻ em, chiếm 58,2% (tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2020), 51 ca dâm ô trẻ em, chiếm 25,4% (tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2020). Tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục bởi bạn bè, người quen chiếm 31,1%; bởi người thân trong gia đình vẫn tương đối cao, chiếm 23,8% (tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020). 

Năm 2019 Quốc hội đã giám sát tối cao về phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em, kết quả Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 121/2020/QH14 ngày 19.6.2020 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em. Sau 1 năm triển khai thực hiện, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vào tháng 8.2021 thì tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, từ tháng 6.2020 - 6.2021 so với cùng  kỳ năm 2019-2020 thì việc xâm hại trẻ em tăng cả về số vụ, số đối tượng, số trẻ em bị xâm hại, lần lượt là 26,8%, 12,5%, 25,7%; nhất là hiếp dâm trẻ em tăng 13,2%.

Còn theo Báo cáo của Bộ Công an, từ 15.6.2019 đến 14.6.2021, toàn quốc phát hiện 3.874 vụ xâm hại trẻ em, với 4.440 đối tượng, xâm hại 4.009 trẻ em (357 nam, 3.652 nữ). Trong đó, hiếp dâm người dưới 16 tuổi: 1.053 vụ = 27,2%; Cưỡng dâm người dưới 16 tuổi: 16 vụ = 0,4%; Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi: 1.521 vụ = 39,3%; Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi: 552 vụ = 14,3%.

Có thể thấy, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội thì tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng theo từng năm. Những trẻ em bị xâm hại thường là những em có nhược điểm về thể chất, ít có khả năng tự bảo vệ bản thân. Những trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt không có cha mẹ, cha mẹ thiếu quan tâm chăm sóc hoặc trong những gia đình không hạnh phúc, cha mẹ là người nghiện ngập, tù tội...

Điều đáng nói, đối tượng xâm hại trẻ em không chỉ là người lạ mà phần lớn là những người có quan hệ gần gũi, thậm chí thân thiết, là người thân, người nhà với nạn nhân có nhiều cơ hội tiếp xúc, tiếp cận với nạn nhân, nhân cơ hội, thời cơ thuận lợi để thực hiện hành vi phạm tội. Đơn cử, trường hợp của cháu H.T ở xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ bị chính cha ruột hiếp dâm dẫn đến mang thai. Trao đổi về trường hợp này, Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch HĐND xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ Trần Văn Phương cho biết, sau khi sự việc đau lòng xảy ra, người bố phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật, còn mấy mẹ con nạn nhân cũng phải đi làm ăn xa để tránh bị làng xóm dị nghị.

Hay mới đây, trường hợp bé gái 15 tuổi, nhân viên quán karaoke tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận bị nhóm đối tượng khống chế đến nhà nghỉ thực hiện hành vi hiếp dâm gây phẫn nộ trong dư luận vì sự coi thường pháp luật của nhóm đối tượng. Nhiều chuyên gia cho rằng, dự báo trong thời gian tới, loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em sẽ có xu hướng tiếp tục tăng. 

Tội phạm hiếp dâm trẻ em ngày càng gia tăng
Nguồn ITN

Lợi dụng hoàn cảnh để xâm hại

Trẻ em là người dưới 16 tuổi, đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt sinh lý và tâm lý, dễ bị tổn thương do các tác động tiêu cực từ môi trường xã hội. Do đó, Luật trẻ em năm 2016 đã có các quy định về các quyền liên quan đến trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. 

Nhìn từ góc độ kinh nghiệm cơ quan xét xử các vụ án xâm hại tình dục với trẻ em, Thẩm phán Toà án nhân dân huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, Nguyễn Văn Mẫu cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm hiếp dâm trẻ em gia tăng xuất phát từ việc các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các bậc bố mẹ hiện nay có xu hướng đi làm ăn xa, tỷ lệ ly thân hay ly hôn tương đối cao, để con cho ông bà chăm sóc, song ông bà già cả nhận thức hạn chế trong quản lý và dạy dỗ con trẻ. Trong khi đó, trẻ con tiếp cận và bị ảnh hưởng nhiều bởi mạng xã hội sớm, dẫn đến các vụ án xâm hại tình dục trẻ em ngày càng nhiều và phức tạp.

Đối tượng lợi dụng hoàn cảnh đặc biệt để tiếp cận trẻ.

Nguồn ITN

Trung tá Lê Quốc Hội, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Hậu Giang phân tích, nếu như trước đây, đối tượng thường lợi dụng sự sơ hở, chủ quan của gia đình, sự non nớt của trẻ em để lừa gạt hoặc dùng vũ lực đe dọa, uy hiếp để xâm hại tình dục, thì hiện các đối tượng thậm chí lợi dụng cả trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ gặp khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tình cảm (cha, mẹ ly hôn, đi làm ăn xa, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…) để tiếp cận, rủ rê, thực hiện các hành vi xâm hại.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Đào, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, hiện nay chế tài áp dụng cho hành vi phạm tội này còn nhẹ. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật cũng như vai trò giáo dục phòng ngừa tội phạm còn yếu kém. Trong khi đó, phần lớn đối tượng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em là những người thân quen với trẻ em, có mối quan hệ tình cảm, huyết thống nên các em thường rất sợ, ngại tố cáo hoặc chính bản thân các em không biết mình đang trở thành nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Song, khi phát hiện ra sự việc, các gia đình thường lựa chọn giải quyết nội bộ không đưa ra pháp luật để tránh bị làng xóm dị nghị, ảnh hưởng đến danh dự gia đình.

Trong giai đoạn từ 2018-2020, TP. Cần Thơ xảy ra 92 vụ liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục. Cơ quan chức năng đã truy tố 87 vụ với 91 bị can; đưa ra xét xử 86 vụ, 90 bị cáo. Trong đó, tội giao cấu trẻ từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là 52 vụ; hiếp dâm dưới 16 tuổi 29 vụ; dâm ô 11 vụ. Kết quả phân tích cho thấy, có đến 81% các vụ án xâm hại tình dục trẻ em xuất phát từ mối quan hệ quen biết nhau giữa người phạm tội và nạn nhân thông qua các mạng xã hội phổ biến hiện nay như Facebook, Zalo… Từ đó tìm hiểu, tạo mối quan hệ quen biết, nảy sinh tình cảm, rủ rê đi uống nước, tiệc liên hoan, sinh nhật rồi dẫn đi nhà trọ, nhà nghỉ; còn lại là người thân thích của bị hại hoặc quan hệ khác...

Thái Yến-Nguyễn Ngân-Từ Thức