Xanh hóa ngành dệt may

- Thứ Hai, 29/11/2021, 06:14 - Chia sẻ
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang, chuyển đổi sang sản xuất xanh để hướng tới phát triển bền vững là xu thế chung của ngành dệt may thế giới. Tuy vậy, việc xanh hóa ngành dệt may ở nước ta gặp một số khó khăn.
Nguồn: INT

Tăng trưởng khả quan trong dịch bệnh    

Ông Vũ Đức Giang cho biết, 10 tháng năm 2021, ngành dệt may đã xuất khẩu được 32 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020. Những sản phẩm xuất khẩu chủ lực là may mặc 23,8 tỷ USD, sợi các loại 4,5 tỷ USD, nguyên phụ liệu may 1,42 tỷ USD, vải không dệt 636 triệu USD,… Như vậy,  xuất khẩu dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng tương đối khả quan mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Lý giải điều này, Chủ tịch VITAS cho rằng liên kết chuỗi là một trong những tiềm lực tạo ra được bước đột phá và duy trì xuất khẩu. Trong giai đoạn các doanh nghiệp phía Nam phải đóng cửa do dịch Covid-19 thì doanh nghiệp phía Bắc đã hỗ trợ rất nhiều. Năm nay, ngành dệt may có những cơ hội tốt hơn về giá, đơn hàng cũng dồi dào hơn năm 2020. Mục tiêu xuất khẩu 38 tỷ USD có thể đạt được.

Năm 2022, ngành dệt may hướng tới xuất khẩu 43 - 43,5 tỷ USD. Ông Giang nhận định con số này hoàn toàn có cơ sở vì sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm tới, một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, đặc biệt là RCEP, sẽ tạo ra lực hút đối với các đối tác quốc tế và nguồn cung đầu vào của dệt may  được bảo đảm hơn.

Tuy nhiên, theo VITAS, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của năm 2022 cũng như thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ nguồn nước và sử dụng năng lượng tái tạo vì đây là xu thế toàn cầu.

Nhân rộng mô hình chuyển đổi xanh

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc Công ty quốc tế Phong Phú cho rằng, phát triển xanh hướng tới bền vững mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng. Doanh nghiệp sẽ quản lý chặt chẽ hơn việc tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, hóa chất… Ngoài ra để thực hiện xanh hóa quá trình sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải xây dựng kế hoạch giảm tiêu hao năng lượng, nước, hóa chất theo từng tháng; thay thế dần các thiết bị cũ. Điều này giúp tiết kiệm khoản chi phí không nhỏ. Không chỉ vậy, sản xuất xanh còn tạo môi trường làm việc tốt hơn, xanh và sạch hơn giúp bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

Theo ông Trần Như Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty dệt Thành Công kiêm Trưởng ban Phát triển bền vững VITAS, trước mắt, việc đầu tư thực hành các tiêu chuẩn phát triển bền vững có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng về lâu dài, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ ngày càng tốt hơn, có thể nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư mới. Tiêu chuẩn của khách hàng ngày càng cao và ưa chuộng sản phẩm thân thiện với môi trường.  Vì vậy hướng tới sản xuất xanh sẽ giúp doanh nghiệp tạo được uy tín đối với khách hàng, đặc biệt là những nhãn hàng cao cấp. Đồng thời, tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, đặc biệt là ở thị trường quốc tế, từ đó tăng khả năng nhận được nhiều đơn hàng hơn.

Tuy nhiên, phát triển bền vững vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm, chú trọng bởi còn một số thách thức. Trước hết, để chuyển sang sản xuất xanh cần đầu tư rất lớn về công nghệ, máy móc hiện đại và chi phí này tương đối cao. Trong khi đó số lượng doanh nghiệp lớn, đủ tiềm lực tài chính để chuyển đổi công nghệ không nhiều. Cùng với đó, phải có đội ngũ lao động chất lượng cao trong thiết kế và phát triển sản phẩm bền vững; cần đội ngũ kỹ thuật am hiểu và vận hành thiết bị hiện đại một cách chuyên nghiệp.

Quản lý chương trình dệt may của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) Hoàng Thanh Nga cho biết, WWF luôn sát cánh cùng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam để hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh hoá ngành dệt may Việt Nam. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2023, các doanh nghiệp dệt may đang và sẽ là thành viên của Uỷ ban Bền vững VITAS giảm được 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; trong đó có 2 khu công nghiệp dệt may cải thiện hiệu quả năng lượng và tuần hoàn nước. Theo đó, WWF và VITAS sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, khu công nghiệp dệt may nhân rộng mô hình chuyển đổi xanh. Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn để doanh nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức về công nghệ tiết kiệm nước, hoá chất, năng lượng. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật để giúp các doanh nghiệp áp dụng hiệu quả các giải pháp nước, năng lượng; tài trợ về mặt nghiên cứu đối với những dự án đầu tư xanh của doanh nghiệp. Tăng cường tiếp cận vốn tín dụng cho dự án đầu tư xanh; truyền thông các trường hợp thành công để nhân rộng chuyển đổi xanh trong ngành dệt may. WWF cũng như VITAS sẽ tích cực hơn nữa trong việc kết nối để huy động nguồn lực từ nhiều bên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dệt may quản lý hiệu quả nguồn nước, nước thải tại các khu công nghiệp.

Minh Trang