Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

"Xanh" hơn, số hóa và đổi mới, sáng tạo

- Thứ Tư, 13/10/2021, 05:44 - Chia sẻ
Tại Phiên họp thứ Tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều qua, Chính phủ trình một bản Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 được đánh giá có chất lượng tốt, tiếp thu kịp thời các ý kiến tại Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII vừa qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội gợi mở thêm nhiều yếu tố cần chú ý để hoàn thiện Kế hoạch này, trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai tới. Như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 không phải "phục hồi như cũ", mà phải "xanh hơn, số hóa, tăng cường năng lực đổi mới, sáng tạo".

Rủi ro bị gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn hiện hữu

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 hướng đến tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa chính sách và cơ chế điều chỉnh linh hoạt để ứng phó hiệu quả với những biến động trong và ngoài nước. Nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam. Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số...

So với dự thảo trước, bản Kế hoạch này đã bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Do vậy, đã có 6 nhóm mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể. Kế hoạch cũng xác định 135 nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, phát tính huy chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát.

Với góc nhìn vừa tổng quan, vừa chi tiết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở về một số vấn đề cần chú ý trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Thứ nhất, các loại thị trường có sự phát triển mạnh, nhưng năng lực của thị trường vốn còn hạn chế; thị trường khoa học, công nghệ chưa có sự phát triển tương xứng. Thị trường vốn hiện nay cần cân nhắc cả khả năng huy động và khả năng trả nợ của nền kinh tế, thay vì chỉ cần cân nhắc khả năng trả nợ như thời gian trước, thậm chí, đôi khi chúng ta muốn vay thêm mà không vay được, không biết vay từ đâu. Thứ hai, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng gặp trở ngại, có tiền mà không tiêu được, tín dụng tăng chậm và có nguy cơ được nắn vào những khu vực có rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản. Thứ ba, đổi mới sáng tạo, cách mạng 4.0 chưa tạo dấu ấn nổi bật, chưa đáp ứng được yêu cầu, cũng như tương xứng với tiềm năng. Thứ tư, tính tự chủ của nền kinh tế và năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và bệnh tật cũng còn có những hạn chế nhất định.

Công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng

Chính phủ cần ưu tiên tập trung cơ cấu lại nền kinh tế trong từng giai đoạn gắn với việc bảo đảm nguồn lực; kịp thời thực hiện tốt công tác dự báo, bảo đảm đánh giá đúng, đủ, kịp thời và chủ động thích ứng với những biến động khó lường của thế giới; phát huy tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xác định giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng trong thực hiện thành công các Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế để bắt kịp sự phát triển của khu vực và thế giới.

Danh mục các chương trình thực hiện Kế hoạch cũng cần phải tiếp tục rà soát, tập trung vào các chương trình, đề án thực sự quan trọng, phục vụ trực tiếp cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở cân đối nguồn lực thực hiện.

Một nội dung chưa được nhắc tới trong các báo cáo, tờ trình: Quý III.2021, tỷ lệ thất nghiệp là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý I năm 2020 đến nay, thực trạng di cư làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn trong những tháng gần đây, sự dịch chuyển lao động là nhu cầu tất yếu của phát triển, song cũng tạo ra nhiều tác động đến quá trình tái cơ cấu kinh tế tại Việt Nam. Do đó, Chính phủ cần có dự báo và chủ động ứng phó với thực trạng di dân có thể tăng tốc trong mấy năm tới, một phần bởi người lao động không thể đáp ứng được mức giá sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố và khó tiếp cận với hệ thống chăm sóc y tế thành thị, sự gián đoạn kết nối giữa người sử dụng lao động và người lao động…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần phân tích tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với các vấn đề kinh tế - xã hội, vì dịch bệnh này còn khả năng kéo dài và có những yếu tố bất định. Kinh tế thế giới phục hồi, nhưng không đồng đều và bị phân hóa phụ thuộc vào mức độ bao phủ vaccine cũng như quy mô của các chính sách hỗ trợ. Rủi ro bị gián đoạn và đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn hiện hữu, chúng ta không được chủ quan ở yếu tố này.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý nguy cơ lỡ nhịp đối với kinh tế thế giới, khi mà bước vào giai đoạn phục hồi thì kinh tế thế giới có thể đã tăng trưởng chậm lại, do các nước có thể phải thắt chặt sớm hơn về chính sách tài khóa, tiền tệ để đối phó với bất ổn do gây áp lực lạm phát, mất cân đối vĩ mô. Dẫn dự báo của các tổ chức uy tín thế giới về tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới trong năm 2022, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu các đối tác chiến lược của nước ta tăng trưởng chậm lại thì động cơ tăng trưởng, nhất là xuất khẩu cũng sẽ bị tác động, có khó khăn trong thu hút vốn đầu tư nói chung, trong đó có vốn đầu tư nước ngoài.

Phát huy tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Có thể thấy, với 6 nhóm mục tiêu và chỉ tiêu, cũng như 135 nhiệm vụ phân công cụ thể cho các bộ, ngành, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao. Bản kế hoạch này đã bám sát các nội dung trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính và đầu tư công 5 năm vừa được Quốc hội thông qua. Đồng thời, cụ thể hóa các nội dung tại Kết luận Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII; phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, dự báo cho những năm tới.

Để nâng cao tính hiệu quả của Kế hoạch này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong giai đoạn tới, phải có giải pháp đột phá trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp Nhà nước được xác định là chủ lực của nền kinh tế. Chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước được xác định là một trọng tâm từ nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, nhưng, đến nay quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước quá chậm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cần tập trung vào giải pháp xuyên suốt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bởi, trong đại dịch, nền nông nghiệp là trụ đỡ, bảo đảm an ninh lương thực, trong khó khăn vẫn bảo đảm xuất khẩu, cân đối cung cầu. “Chúng ta cần có biện pháp quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, dám chịu trách nhiệm, để tổ chức thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đạt hiệu quả cao và có sức lan tỏa. Xác định kết nối, đoàn kết là nền tảng là nội sinh quan trọng; phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước hơn nữa”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn.

Từ cách nhìn tổng thể hơn, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, cần có giải pháp để cải thiện các yếu tố tăng cường năng lực cho các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, khoa học công nghệ và thị trường lao động do chịu tác động của đại dịch. Đồng thời, quan tâm cải thiện năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo đó, cần tính toán kỹ khi xác định đưa vốn vào khu vực nào, kích thích lĩnh vực nào để "có thể đúng mà tiêu được". Cần cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ của nền kinh tế, nhất là cải thiện phân bổ và giải ngân đầu tư công, cải tiến năng lực điều hành dự án, cải thiện tình trạng dự án treo, chậm tiến độ.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 có một thuận lợi quan trọng trong tổ chức triển khai thực hiện, đó là được xem xét ban hành ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội đã quyết định các khung 5 năm gồm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Với những nguy cơ với nền kinh tế nước ta được chỉ ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, phải quan tâm xây dựng giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế để kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp với kinh tế thế giới. Dự báo tốt tình hình trong nước và thế giới, sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh để ổn định kinh tế vĩ mô gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Và, một nhiệm vụ quan trọng cần chú ý thực hiện, như phân tích của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 không phải phục hồi như cũ, mà phải xanh hơn, số hóa, tăng cường năng lực đổi mới, sáng tạo. Đồng thời, có quyết tâm cao và giải pháp tổng thể để giải quyết dứt điểm những năng lực sản xuất dư thừa, mà thực chất được nhận định đã "chết lâm sàng" (dự án yếu kém, thua lỗ, ngân hàng mua lại bắt buộc - PV).

Thanh Hải