Xây dựng các mô hình trường học ảo, mô hình cộng đồng học tập trực tuyến

- Thứ Ba, 30/11/2021, 17:49 - Chia sẻ
Ngày 30.11, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Thực trạng và giải pháp đào tạo trực tuyến đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Phạm Vũ Quốc Bình chủ trì Toạ đàm.

Việc dạy học trực tuyến hiện nay tại các cơ sở GDNN, theo TS. Phạm Vũ Quốc Bình, khảo sát thực địa ở tất cả các cơ sở GDNN cho thấy, học sinh, sinh viên đều được đánh giá là nhanh nhạy trong việc sử dụng các công nghệ số mới. Trong thang điểm từ 1 - 5, có 71% giáo viên tham gia khảo sát đánh giá khả năng ứng dụng CNTT của học viên và kết quả là các em đều đạt từ 3-5 điểm. Có 83,8% học sinh sinh viên tham gia học trực tuyến, thì không có học sinh sinh viên nào gặp khó khăn về sử dụng công nghệ (14.291 học viên được khảo sát). 92,6% học sinh sinh viên đều chịu khó mày mò tự tìm hiểu tài liệu qua mạng (15.801 học viên được khảo sát).

Toàn cảnh tọa đàm trực tuyến
Toàn cảnh tọa đàm trực tuyến

Tuy nhiên, tỷ lệ này ở giáo viên lại thấp hơn, 90% nhà giáo tham gia khảo sát trả lời đã được tuyên truyền về chuyển đổi số, về cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng chưa được đào tạo chính thức gì về chuyển đổi số, phương pháp sư phạm trong môi trường số. Số lượng nhà giáo được đào tạo và tham gia giảng dạy E-learning còn ít (chỉ chiếm 26.7%), còn lại phần lớn nhà giáo vẫn giảng dạy theo cách truyền thống.

PSG. TS Bùi Văn Hồng, Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, từ thực trạng hiện nay cho thấy, cần phải nhanh chóng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho nhà giáo tham gia vào những khoá học trực tuyến như giao tiếp qua trung gian máy tính, tham gia mô hình trường học ảo, mô hình cộng đồng học tập trực tuyến. Chương trình bồi dưỡng năng lực dạy học trực tuyến cho nhà giáo GDNN được chú trọng vào 3 module sau: Module 1: Năng lực khai thác nền tảng dạy học trực tuyến; Module 2: Năng lực thiết kế và tổ chức đào tạo trực tuyến; Module 3: Đánh giá kết quả học tập trong đào tạo trực tuyến.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Phạm Vũ Quốc Bình phát biểu tại tọa đàm.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Phạm Vũ Quốc Bình phát biểu tại tọa đàm

Các chuyên gia cũng đưa ra ý kiến về các vấn đề như hạ tầng mạng và máy tính, hạ tầng dữ liệu và học liệu số, việc liên thông kết nối từ các khâu học tập cho tới đánh giá... và cho rằng, những tồn tại không chỉ nằm ở phía các nhà giáo. Trung tâm dữ liệu được đầu tư tại trung ương hiện đại, bài bản, có thể sử dụng tốt cho việc chuyển đổi số cho cơ quan quản lý từ 1-2 năm tới. Tuy nhiên, việc phát triển các ứng dụng nền tảng, ứng dụng dùng chung, chương trình, học liệu dùng chung cần một hệ thống hạ tầng đủ mạnh để bảo đảm sử dụng chung cho toàn hệ thống. Hệ thống máy tính, thiết bị ngoại vi cần được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong thời gian tới.

Thêm vào đó, hạ tầng phần cứng và phần mềm phục vụ đào tạo của các cơ sở GDNN nhìn chung còn chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Trong tương lai, khi tiến hành chuyển đổ mạnh mẽ, một phần lớn hoạt động dạy và học chuyển lên môi trường số thì hạ tầng hiện nay rõ ràng sẽ không thể đáp ứng được các yêu cầu mới.

Các đại biểu tham gia tọa đàm theo hình thức trực tuyến
Các đại biểu tham gia tọa đàm theo hình thức trực tuyến

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh, để phát triển ngành GDNN theo hướng hiện đại và hiệu quả, cần có một lộ trình rõ ràng nhằm giải quyết vấn đề cốt lõi đó là dữ liệu và nâng cao nhân lực thực hiện công tác chuyển đổi số, nhất là giáo viên và cán bộ quản lý. Việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với công tác chuyển đổi số. Tổng cục đã phối hợp với Microsoft và tổ chức Di cư Thế giới để xây dựng các nền tảng phù hợp nhất. Tổng cục GDNN cũng vừa cho ra mắt nền tảng dạy học trực tuyến cho người lao động. "Chúng tôi sẽ liên kết với các công ty về công nghệ để tiến hành việc xã hội hóa hỗ trợ hạ tầng cho các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở biên giới, hải đảo…" - TS. Phạm Vũ Quốc Bình nói.

TS. Phạm Quốc Bình đề nghị các trường chủ động triển khai các chương trình chuyển đổi số và hướng tới chuẩn hóa. Việc nâng cao năng lực cần các cơ sở GDNN, nhà giáo phải tự ý thức thực hiện vì việc tiếp thu theo phương thức thụ động sẽ không có hiệu quả cao.

Tùng Dương