Xây dựng cảng biển - nhiệm vụ chiến lược

- Chủ Nhật, 17/10/2021, 07:04 - Chia sẻ
Cảng biển Sóc Trăng không chỉ có ý nghĩa đặc biệt với tỉnh nhà mà còn là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển.

Vị trí đắc địa

Hiện nay, nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của ĐBSCL rất lớn, ước đạt khoảng 17 - 18 triệu tấn/năm và không ngừng tăng cao (bình quân tăng từ 10 - 15%/năm). Tuy nhiên, có đến 70% lượng hàng hóa của vùng phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng ở TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ, kéo theo chi phí vận chuyển tăng từ 10 - 40%/chuyến hàng, tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp và làm giảm khả năng cạnh tranh. Còn nếu vận chuyển bằng đường thủy chỉ có 2 cách: chuyển sang cảng Cần Thơ rồi đưa lên Cái Mép - Thị Vải và từ Cần Thơ trung chuyển sang Singapore để đưa hàng hóa đi các nước. Điều đó khiến hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng phải gánh thêm nhiều chi phí, thời gian vận chuyển kéo dài hơn. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 12.2017, 8 tỉnh khu vực ĐBSCL (gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh) có 21 khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 3.621ha, đạt 62%, đến năm 2030 đạt 100% với khối lượng hàng luân chuyển là 23,2 triệu tấn. Việc hình thành cảng biển nước sâu sẽ là vùng hấp dẫn cho 8 địa phương này, tác động, thu hút hàng xuất nhập khẩu trực tiếp từ các cảng thuộc vùng sông Hậu và bán đảo Cà Mau khoảng 10 - 11,2 triệu tấn, hàng container từ Campuchia thông qua khoảng 529.000 TEU/năm, đáp ứng nhu cầu vận chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện của khu vực ĐBSCL. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng một cảng nước sâu đã trở thành nhiệm vụ chiến lược của tỉnh.

Theo Phó chủ tịch UBND Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp, từ năm 1994 đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về việc xây dựng Cảng nước sâu trung tâm vùng ĐBSCL và gần đây nhất là vào năm 2019 Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện nội dung nghiên cứu các vị trí trong vùng ĐBSCL nhằm tìm vị trí thích hợp xây dựng Cảng biển nước sâu, trình Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong vùng ĐBSCL có một số vị trí có thể xây dựng Cảng biển nước sâu như: Trần Đề của Sóc Trăng; Duyên Hải của Trà Vinh; Hòn Khoai của Cà Mau và Nam Du của Kiên Giang… Tuy nhiên, dựa trên các tiêu chí về khoảng cách vận tải, giải phóng mặt bằng, chi phí vận tải, duy tu bảo dưỡng, kết nối giao thông vận tải… để tính theo điểm số về lợi thế so sánh  thì vị trí Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng có ưu thế nhất, chiếm số điểm cao nhất về lợi thế so sánh. Còn xét về yếu tố đặc điểm vùng hấp dẫn và vai trò của cảng biển, quy mô cảng biển theo Quyết định số 70/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì vị trí Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng cũng chiếm số điểm cao nhất với 74/100 điểm, trong đó đặc điểm vùng hấp dẫn đạt 26/30 điểm, vai trò cảng biển đạt 30/40 điểm và quy mô cảng biển đạt 18/30 điểm. Cũng theo UBND tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua đã có rất nhiều nhà đầu tư đến từ Singapore, Hoa kỳ, Đức đã thực hiện nghiên cứu và đề xuất dự án.

Cảng biển Sóc Trăng sẽ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển

Nguồn: ITN

Quy mô cảng biển

Cảng nước sâu Trần Đề do tỉnh Sóc Trăng đề xuất có vị ngoài khơi, cách cửa biển Trần Đề khoảng 20km có độ sâu tự nhiên âm 20m, là khu vực biển hở có độ sâu dốc thoải đều ra biển ít bị bồi lắng, tiếp nhận được tàu thuyền có tải trọng lớn ra vào cảng. Với vị trí là trung tâm của vùng ĐBSCL, cảng Trần Đề thuận lợi về khoảng cách và khả năng kết nối với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL thông qua các tuyến đường bộ và đường thủy nội địa hiện hữu và dự kiến đầu tư theo quy hoạch bao gồm các tuyến hiện hữu như Quốc lộ 1; Quốc lộ Nam Sông Hậu; Quốc lộ 60 với cầu Đại Ngãi đang chuẩn bị xây dựng và các tuyến xây dựng trong tương lai như tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; tuyến Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cà Mau, từ đó đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho khu vực ĐBSCL tốt hơn.

Theo Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng Dương Văn Ngoảnh, bến cảng Trần Đề có định hướng phát triển thành bến chính nằm ngoài khơi cửa Trần Đề, đáp ứng cho tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 tấn, tàu hàng tổng hợp, container đến 100.000 tấn và trên 100.000 tấn, phục vụ làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng ĐBSCL. Phát triển có điều kiện theo định hướng xã hội hóa với quy mô, loại cảng phù hợp với nhu cầu và năng lực của nhà đầu tư. Năng lực thông qua năm 2030 khoảng 64 - 80 triệu tấn/năm (định hướng phát triển 130 - 150 triệu tấn/năm). Bến cảng Trần Đề phía bờ phục vụ trung chuyển hàng hóa cho bến cảng ngoài khơi năng lực thông qua giai đoạn đến năm 2030 khoảng 20 - 25 triệu/năm.

Hiền Dung