Xây dựng chiến lược mới cho ngành nông nghiệp

- Thứ Tư, 22/09/2021, 06:23 - Chia sẻ
Theo TS. Đặng Kim Sơn, Chủ tịch hội đồng chuyên gia Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), thế giới sau dịch bệnh không còn như trước, do đó Việt Nam phải nghiên cứu thay đổi quá trình tái cơ cấu và xây dựng chiến lược mới cho ngành nông nghiệp, kịp thời đáp ứng tình hình mới.

 Hai kịch bản cho ngành nông nghiệp

- Theo ông, điều gì sẽ xảy ra với ngành nông nghiệp trong thời gian tới?

- Theo tôi, có ít nhất 2 kịch bản và năng lực phòng, chống dịch cũng như tình hình phục hồi của kinh tế thế giới sẽ quyết định kịch bản nào xảy ra.

Kịch bản thứ nhất, các nước sẽ sản xuất vaccine nhanh và cả thuốc điều trị Covid-19, cộng với việc đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng thì có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh. Từ đó, hoạt động kinh tế thế giới sớm khôi phục, các chuỗi cung ứng kết nối lại, tạo điều kiện phục hồi nhanh thị trường tiêu dùng với những nông sản cơ bản. Trong kịch bản này, nhiều khả năng mức độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp không chỉ trở lại bình thường như trước mà còn mạnh mẽ hơn. Như vậy, chúng ta phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội để kịp thời thích ứng với kết cấu và cách cung ứng mới.

 Kịch bản thứ hai tiêu cực hơn. Trong nước dịch bệnh chưa thể kiểm soát ngay, nhưng những quốc gia cạnh tranh với nước ta về xuất khẩu nông sản vượt qua đỉnh dịch và khôi phục sản xuất trước, tranh thủ được cơ hội chiếm lĩnh thị trường. Nếu kịch bản bất lợi này xảy ra, trước hết cần giữ những ngành hàng chiến lược không bị đổ vỡ; bảo vệ người sản xuất, kinh doanh chủ chốt. Ngoài ra, tập trung duy trì những thị trường vẫn còn tiềm năng khai thác được đặc biệt là trong nước để từ đó giữ vững hoạt động sản xuất của ngành.

- Ngành nông nghiệp phải chuẩn bị những gì để thích ứng với tình hình mới, thưa ông?

- Thế giới sau dịch bệnh sẽ không còn như trước. Nhiều nền kinh tế sẽ thay đổi từ kết cấu sản xuất đến chuỗi giá trị để bảo đảm vận hành thông suốt trong mọi tình huống theo hướng bớt lệ thuộc bên ngoài. Hiện nay các quốc gia đã chú trọng về tiêu chuẩn, chất lượng của nông sản. Tới đây, các nước sẽ có xu hướng hạn chế buôn bán qua đường tiểu ngạch hay nhiều khâu trung gian. Cách thức vận chuyển hậu cần cũng thay đổi theo, phương thức buôn bán trực tuyến, số hóa sẽ được đẩy mạnh hơn rất nhiều. Đó là chưa nói đến các diễn biến mới trong thương chiến Mỹ - Trung, các tình huống tăng tốc của biến đổi khí hậu…

Do đó, Việt Nam phải nghiên cứu thay đổi quá trình tái cơ cấu và xây dựng chiến lược mới cho ngành nông nghiệp, kịp thời đáp ứng tình hình mới cả trong sản xuất, tổ chức chuỗi giá trị, xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần (logistics) và thương mại nông sản.

Phải tiếp cận mảng giá trị cao trong chuỗi cung ứng

- Hiện nay doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp còn khá khiêm tốn, theo ông là vì sao?

- Hiện tượng ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và kinh tế nông thôn diễn ra từ khá lâu. Xuất phát điểm của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ. Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp lại có tính chất đặc thù, hiện hữu rất nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp, các cơ sở hạ tầng chưa phát triển, điều kiện đất đai hạn hẹp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường. Do đó, các doanh nghiệp nói chung ít đầu tư vào nông nghiệp, nếu có thì chủ yếu tập trung vào các hoạt động thương mại, chế biến hoặc cung cấp vật tư đầu vào. Kể cả các tập đoàn xuyên quốc gia mạnh mẽ và cả một số doanh nghiệp nhà nước cũng thường đầu tư cung cấp đầu vào và thu mua nông sản đầu ra.

- Vậy cần làm gì để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp?

- Muốn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Nhà nước phải vượt qua hai trở ngại lớn. Một là, tập trung giảm thiểu bằng được rủi ro không mong muốn trong ngành. Hai là, tăng lợi nhuận cho sản xuất và kinh doanh nông nghiệp ít nhất ngang ngửa với doanh nghiệp đầu tư ở đô thị và công nghiệp. Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là những tuyến đường chính vận chuyển nông sản và hệ thống thủy lợi. Dịch vụ công cần phân cấp cho các tổ chức cộng đồng, tổ chức xã hội của doanh nghiệp và nông dân tự phục vụ. Chính phủ phải sớm hình thành những vùng nông nghiệp công nghệ cao, vùng chuyên canh cho các ngành hàng chiến lược với chính sách ưu đãi... Theo tôi, nếu chính sách tốt chắc chắn thu hút được rất nhiều nhà đầu tư đến với ngành nông nghiệp và bản thân kinh tế hợp tác cũng khởi nghiệp thành các doanh nghiệp mới.

Đặc biệt, từ bài học xương máu Covid-19, đã đến lúc Việt Nam nhanh chóng từng bước phát triển các mắt xích còn thiếu trong chuỗi cung ứng cơ bản, đa dạng hóa nguồn cung vật tư chiến lược và thị trường. Toàn ngành phải kiên quyết đưa doanh nghiệp Việt tiếp cận mảng giá trị cao trong chuỗi cung ứng, không rơi vào bẫy “sản xuất gia công” cho nước ngoài như một số ngành hiện nay.

- Xin cảm ơn ông! 

Minh Trang