Xây dựng chiến lược về giải mã công nghệ

- Thứ Bảy, 22/03/2014, 09:03 - Chia sẻ
Cùng với việc đầu tư cho công tác nghiên cứu, sáng tạo khoa học, Việt Nam cần có những bước đi mới, đột phá trong phát triển khoa học và công nghệ mà nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc... đã rất thành công, đó là hoạt động giải mã và làm chủ công nghệ. Tuy nhiên, để hoạt động này thành công, Việt Nam cần xây dựng chiến lược về giải mã công nghệ đồng bộ và phù hợp...

Chú trọng hoạt động chuyển giao

Theo ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục ứng dụng và Phát triển thị trường, Bộ KH - CN, hoạt động giải mã công nghệ được tiến hành ở các nước đang phát triển có thể được định hình theo các bước, đó là sao chép công nghệ, hoàn thiện công nghệ, làm chủ công nghệ và sáng tạo công nghệ. Đặc biệt, giai đoạn sáng tạo công nghệ là giai đoạn thăng hoa của các nghiên cứu từ cơ bản đến ứng dụng. Rất nhiều lĩnh vực mới, ứng dụng mới được hình thành từ giai đoạn này tạo nên sự thay đổi cơ bản của KHCN của một quốc gia. Giai đoạn này sẽ tạo ra điểm nhấn và xác định được vị trí của quốc gia đó trong bản đồ thế giới về KHCN.


Nguồn: ITN
“Kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là ở những nước châu Á đã có sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa thần kỳ như Hàn Quốc, Trung Quốc… cho thấy, không thể bỏ qua việc xây dựng một nền khoa học và công nghệ vững chắc; đồng thời cũng khẳng định không thể bỏ qua con đường chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài” - ông Tạ Việt Dũng nhấn mạnh.

Với điển hình Trung Quốc là quốc gia đã thành công từ việc mua sản phẩm tương tự, tháo ra nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm tương tự. Hiện nay, Trung Quốc có thể chế tạo được tất cả các sản phẩm khoa học và công nghệ trình độ từ thấp đến cao, chất lượng tốt và giá thành chỉ khoảng 20-50% so với chính hãng. Nhật Bản cũng đã phát triển nền công nghiệp thông qua việc mua các công nghệ rồi cải tiến sao cho phù hợp với nhu cầu, văn hóa của từng vùng khách hàng…

Ông Tạ Việt Dũng cho rằng: “trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển năng lực công nghệ nội sinh đang gặp phải những khó khăn thì việc nhập khẩu công nghệ tiên tiến từ nước ngoài để thích hợp và làm chủ càng trở nên đặc biệt quan trọng”.

Còn nhiều thách thức

Thực tế cho thấy, nhu cầu nhập khẩu công nghệ và thiết bị của các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiên về nhập khẩu thiết bị, máy móc hơn là đi sâu vào phần công nghệ để nghiên cứu, thích hợp và tiến tới làm chủ, sáng tạo công nghệ. Công nghệ được mua bán chủ yếu trên thị trường là thiết bị, máy móc và dây chuyền công nghệ toàn bộ. Các giao dịch mua bán công nghệ ở dạng tài sản trí tuệ như pa tăng, li xăng và bí quyết công nghệ còn rất hạn chế.

Mặt khác, việc công nghệ nhập khẩu lạc hậu khoảng 10 - 15 năm trong khi năng lực hấp thu công nghệ còn thấp đã dẫn đến hạn chế khả năng giải mã và làm chủ công nghệ nhập khẩu, cũng như khả năng phát triển công nghệ của riêng mình để tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm hiện có, hay tạo ra dòng sản phẩm mới.

Có thể khẳng định, nhu cầu chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài vào Việt Nam của các doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế là rất lớn, tuy vậy, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Đó là, mặc dù năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học có những tiến bộ đáng kể nhưng vẫn chưa thể đáp ứng kịp thời yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Do hạn hẹp về tài chính rất ít doanh nghiệp trong nước có khả năng nhập công nghệ dưới dạng sáng chế, thiết kế, giải pháp công nghệ, bí quyết kỹ thuật.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ chưa quan tâm đầu tư thích đáng để thích nghi công nghệ nhập khẩu nên hiệu quả ứng dụng còn thấp. Các kết quả điều tra, đánh giá trình độ công nghệ trong nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam cho thấy mức đầu tư cho các hoạt động thích nghi công nghệ nhập khẩu mới đạt khoảng 0,5% doanh thu, trong khi con số này ở Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc là từ 5 - 10%.

Thiếu thông tin, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn công nghệ nhập thích hợp, đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ cũng là một trong những lý do nhiều trường hợp công nghệ bị lạc hậu ngay từ lúc nhập về, phải chấp nhận mức giá cao, chưa ràng buộc đúng trách nhiệm của bên bán và chịu thiệt thòi khi giải quyết tranh chấp phát sinh…

Cần có chiến lược về giải mã công nghệ

PGs. Ts Tạ Cao Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, để thúc đẩy các hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ ở Việt Nam cần có sự đầu tư và phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật với các phòng thí nghiệm đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng và nguồn nhân lực chất lượng cao gồm đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật giỏi.

Hoạt động giải mã cần theo nguyên tắc chủ động tìm kiếm công nghệ trên thế giới có tính ứng dụng cao, phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố cần khai thác là tận dụng nguồn cơ sở dữ liệu phong phú từ những bản quyền sáng chế không được bảo hộ tại Việt Nam.

Ông Minh cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các kiến thức và kinh nghiệm của nhân loại để tạo công nghệ phù hợp với thị trường và điều kiện Việt Nam. Theo đó, cần xây dựng chiến lược về giải mã công nghệ đối với các sản phẩm chủ lực như: cơ khí chế tạo, cơ điện tử; tự động hóa công nghiệp; công nghệ thông tin; quốc phòng và an ninh; các thiết bị dân dụng và các phương tiện giao thông… để nghiên cứu, cải tiến, tạo ra những sản phẩm công nghệ trong điều kiện Việt Nam, giúp giảm giá thành đầu tư cho công nghệ mới và làm chủ được các công nghệ hiện đại.

Bích Thủy