Xây dựng chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh - thời điểm chín muồi

- Thứ Hai, 26/10/2020, 06:41 - Chia sẻ
Một vấn đề được cho rất bức thiết với các nhà hoạch định chính sách hiện nay đó là tìm kiếm và xây dựng mô hình quản trị đô thị bền vững, phù hợp với trình độ phát triển mới của đất nước, cũng như đòi hỏi của chính người dân.

Yêu cầu cấp thiết

Là đô thị loại đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, song trong quá trình phát triển, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt.

Thống kê năm 2019, TP Hồ Chí Minh có trên 9 triệu dân, với quy mô kinh tế và cường độ hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước, yêu cầu đặt ra là các quyết định quản lý hành chính của chính quyền thành phố phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, đến người dân, doanh nghiệp nhanh và kịp thời, đồng bộ, khắc phục tình trạng cấp trung gian triển khai và hướng dẫn lại.

Quận 2, 9 và Thủ Đức dự kiến sáp nhập thành đơn vị hành chính TP Thủ Đức
Nguồn: Vnexpress

Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định “Đề án Tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh”. Hội đồng thẩm định của Bộ Nội vụ đã thống nhất thông qua đề án và đồng quan điểm không tổ chức thí điểm mà tiến hành thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, mô hình tổ chức chính quyền đô thị đã được Quốc hội cho phép thí điểm tại Hà Nội và Đà Nẵng là cơ sở thuận lợi cho TP Hồ Chí Minh tham khảo kinh nghiệm trong việc xây dựng, trình thẩm định đề án.

Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp cũng thống nhất các nội dung dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, TP Hồ Chí Minh là một trong hai đơn vị lớn trên cả nước, là trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội quan trọng, là thành phố có đóng góp lớn vào sự phát triển chung cả nước; với đặc thù là đô thị lớn, có bề dày lịch sử, cùng với đó là có yêu cầu cấp thiết trong xây dựng chính quyền đô thị. Thành phố đã có kinh nghiệm 7 năm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, đây là cơ sở thực tiễn quan trọng.

Đề án tổ chức chính quyền đô thị đã được TP Hồ Chí Minh xây dựng từ năm 2007 và tiếp tục điều chỉnh, bổ sung vào năm 2013. Tuy nhiên thời điểm đó, cơ sở pháp lý chưa vững chắc và đầy đủ nên chưa thể triển khai. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, đây là thời điểm “chín muồi” để thành phố đề xuất “Đề án về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh”. Dự thảo nghị quyết Quốc hội nếu được thông qua sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt và lớn nhất của cả nước hiện nay.

Làm rõ hơn việc thực hiện Đề án này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên diện rộng. TP Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất gồm tất cả 24 quận, huyện, 259 phường, thực hiện từ năm 2009 - 2016. Theo ông Nguyễn Thành Phong, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh được ban hành có tác động tích cực đến tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Đa số ý kiến tán thành không qua thí điểm

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bộ Chính trị ủng hộ phát triển thành phố Thủ Đức và chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Chính phủ cũng vừa thông qua dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, tại Phiên họp 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Đa số các ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh mà không qua thí điểm; ban hành Nghị quyết theo quy trình một kỳ họp theo thủ tục rút gọn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá, tổng kết hơn 6 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại TP Hồ Chí Minh (từ năm 2009 - 2016) cho thấy nhiều kết quả tích cực. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để triển khai thực hiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị tại TP Hồ Chí Minh.

Rất nhiều ý kiến các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng TP Hồ Chí Minh là một trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội trong giai đoạn 2009 - 2016, qua thí điểm đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, là cơ sở thực tiễn quan trọng để Quốc hội có thể cho phép thành phố được chính thức thực hiện tổ chức chính quyền đô thị để bảo đảm tính ổn định, lâu dài mà không cần thí điểm nữa. Mặt khác, việc tổ chức chính quyền đô thị không chỉ bao gồm quy định bộ máy chính quyền địa phương có tính đặc thù ở đô thị lớn, mà có các quy định đặc thù về phân cấp quản lý, chính sách tài chính để làm cho bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả cao hơn, tự chịu trách nhiệm cao hơn.

Các nội dung này đối với TP Hồ Chí Minh đã được Quốc hội quy định qua một Nghị quyết riêng, là Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24.11.2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Như vậy thực hiện chính quyền đô thị ở TP Hồ Chí Minh theo Đề án Chính phủ trình Quốc hội mang tính đồng bộ, toàn diện, khác với khi Hà Nội và Đà Nẵng thực hiện thí điểm chính quyền đô thị.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, việc nghiên cứu để hình thành mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, dân cư, địa giới đơn vị hành chính của TP Hồ Chí Minh là thực sự cần thiết.

Mô hình chính quyền đô thị ở TP Hồ Chí Minh gồm 2 điểm nổi bật. Đó là: Thành lập thành phố trong thành phố, là hạt nhân, là một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển bền vững; đồng thời, không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Cụ thể, TP Thủ Đức được hình thành trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức ở khu vực phía Đông TP Hồ Chí Minh. Nơi đây có nhiều cơ sở kinh tế, giáo dục đào tạo, hạ tầng mới có ý nghĩa quan trọng như: Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, cụm đại học phía Đông thành phố, tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên, khu đô thị mới Thủ Thiêm, cảng container Cát Lái (lớn nhất Việt Nam).

Dự kiến sau khi thành lập, TP Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của TP Hồ Chí Minh và chiếm khoảng 7% GDP cả nước. Cùng với đó, việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã được TP Hồ Chí Minh thí điểm trong 7 năm (từ năm 2009 đến 2016). Điều này góp phần tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách. Dự kiến trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, khi không tổ chức HĐND quận, phường tại TP Hồ Chí Minh sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng, đồng thời tinh giản 588 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường.

Nhật Trường