Ý kiến đại biểu

Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá cho từng vùng

- Chủ Nhật, 31/10/2021, 06:58 - Chia sẻ
Tạ Thị Yên - Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên

Tôi cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. 

Về nhiệm vụ, giải pháp, trước hết, tôi đồng tình với giải pháp cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị. Báo cáo Kế hoạch có đặt ra yêu cầu tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong việc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, trong Kế hoạch không thấy đề cập cụ thể tới vùng kinh tế trung du miền núi phía Bắc cũng như các vùng kinh tế khác của cả nước, mà có vẻ tập trung nhiều hơn cho khu vực trung tâm và đô thị. Chúng ta thường xác định những vùng kinh tế thuộc diện khó khăn, lạc hậu nhất của cả nước là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Vậy thì, trong 5 năm tới, Chính phủ sẽ có những giải pháp nào để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng đặc biệt khó khăn này? Những giải pháp đó có thể là: Khai thác lợi thế so sánh, thế mạnh của từng vùng; hợp tác, liên kết vùng, xây dựng đô thị làm hạt nhân phát triển và bố trí lại dân cư, hình thành chuỗi giá trị kinh tế đồi rừng ở Tây Bắc, cây công nghiệp ở Tây Nguyên và cây lương thực, thủy hải sản ở Tây Nam Bộ? Tôi cho rằng, nếu thiết kế được các nhiệm vụ cụ thể hơn cho từng vùng, từ đó thể hiện được trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương và xây dựng được những cơ chế, chính sách có tính đột phá cho từng vùng, gắn với việc bố trí nguồn lực ngân sách, thu hút các nguồn lực xã hội để thực hiện các mục tiêu phát triển chung. 

Ảnh: Quang Khánh

Thứ hai, tôi đồng tình với nhiệm vụ và giải pháp tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, xanh, sạch, hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Tuy nhiên, với đặc thù điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác và bản sắc văn hóa đậm nét của vùng Trung du miền núi phía Bắc, trong đó có Tây Bắc và tỉnh Điện Biên, với đặc trưng của kinh tế đồi rừng, nên rất cần những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để tạo ra động lực mới, tạo điều kiện và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển các mô hình sản xuất tiên tiến, có hiệu quả, đẩy mạnh hiệu quả liên kết giữa 4 nhà “Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp” nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, kết nối với hệ thống tiêu thụ, để Tây Bắc phấn đấu theo kịp và cùng với cả nước hướng tới nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ. 

Thứ ba, để cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở liên kết vùng, gắn kết với các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, hệ thống giao thông có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, theo quy hoạch thì đến năm 2025, cao tốc Hà Nội - Hòa Bình mới nối được tới Mộc Châu và đến năm 2030 mới vươn tới Sơn La. Còn từ Sơn La đi Tuần Giáo, rồi tới Điện Biên là còn cả một chặng đường dài dành cho sau năm 2030. Như thế sẽ khó rút ngắn được khoảng cách giữa Điện Biên với các địa phương khác để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics phục vụ nông nghiệp, nhất là con đường xuống cảng biển để xuất khẩu nông sản hàng hóa.

Do đó, cử tri Điện Biên, tỉnh duy nhất trong cả nước chung đường biên giới với 2 quốc gia là Lào và Trung Quốc với gần 500km, rất mong được Chính phủ quan tâm, sớm đầu tư đường cao tốc tới Điện Biên sớm hơn lộ trình Bộ Giao thông Vận tải đang dự kiến, khởi công sớm trong giai đoạn 2021 - 2025 và phấn đấu hoàn thành vào năm 2030 đường cao tốc Sơn La - Điện Biên, song song với hoàn thành tuyến Mộc Châu - Sơn La, cực kỳ quan trọng về quốc phòng - an ninh và kinh tế. Cử tri Điện Biên tin tưởng và hy vọng ngành giao thông sẽ áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất để thi công tuyến cao tốc trên địa hình hiểm trở này, gặp núi làm “hầm xuyên núi”, gặp vực sâu làm cầu cạn để “miền núi tiến kịp miền xuôi" như lời Bác Hồ căn dặn.

Anh Phương