Xây dựng đội ngũ cán bộ theo yêu cầu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

- Thứ Bảy, 10/07/2021, 07:14 - Chia sẻ
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, phải “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ Nhân dân và sự phát triển của đất nước... có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài... Đồng thời có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với Nhân dân”(1). Đây là quan điểm chỉ đạo hết sức đúng đắn để xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Bài 1:

Phẩm chất, năng lực và uy tín của cán bộ

Dẫu cấu trúc tổ chức bộ máy có chặt chẽ, hợp lý đến đâu nhưng con người trong bộ máy đó không bảo đảm chất lượng thì hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy vẫn khó có thể nâng lên được. Chất lượng bộ máy và chất lượng con người trong bộ máy phải “đồng bộ”, ăn khớp với nhau. Khi nói đến phẩm chất cán bộ thì phải chú ý cả hai mặt: Phẩm chất chính trị tư tưởng và phẩm chất sinh hoạt cá nhân (đạo đức, lối sống). Phẩm chất chính trị tư tưởng là hết sức quan trọng, nhưng nhất thiết không được coi nhẹ phẩm chất sinh hoạt cá nhân, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế thị trường vì từ những sai lầm về sinh hoạt cá nhân sẽ dần dần “di căn” sang phẩm chất chính trị tư tưởng.

Hệ tiêu chuẩn, “thước đo” phẩm chất cán bộ

Để quản lý, bồi dưỡng, sử dụng, đánh giá cán bộ đúng đắn, chuẩn xác, Đảng ta đã xác định một hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí có tính chất "thước đo" cho đội ngũ cán bộ. Có thể tóm tắt một số điểm then chốt như sau:

 Về phẩm chất chính trị tư tưởng và đạo đức, lối sống: Phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và Nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Có tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc. Sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

 Phải mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, lãng phí, cơ hội, vụ lợi; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không trục lợi và cũng không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

Về trình độ, năng lực và uy tín: Tốt nghiệp đại học trở lên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp. Có quan điểm khách quan, toàn diện, biện chứng, lịch sử, cụ thể, có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược; phương pháp làm việc khoa học; nhạy bén chính trị; có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phân tích và dự báo tốt. Năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, dám đương đầu với khó khăn, thách thức; nói đi đôi với làm. Là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; được cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân tin tưởng, tín nhiệm cao. Có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ(2)...

Đó cũng là mục tiêu phấn đấu của tất cả cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước ta. Khi nói đến năng lực thì phải lưu ý đến cả ba thành tố hợp thành, đó là: Kiến thức, trình độ và khả năng. Riêng về khả năng lại phải xem xét cả hai mặt, đó là khả năng nhận thức và khả năng hành động. Cả hai mặt đều quan trọng, nhưng hành động chính là thể hiện khả năng nhận thức. Đối với cán bộ lãnh đạo, trong khả năng hành động còn phải xem xét khả năng điều hành, quản lý, lãnh đạo một tổ chức, một đơn vị ra sao. Trong khả năng nói chung còn phải chú ý tới một nhân tố nữa, đó là sức khỏe. Bởi vì, dù có thông minh, tài giỏi, phẩm chất trong sáng đến đâu nhưng sức khỏe không bảo đảm cũng khó lòng giải quyết được công việc chung.

Không đồng nhất năng lực với bằng cấp

Khi xem xét về năng lực thì phải tránh cho được những sự nhầm lẫn hiện vẫn đang tồn tại. Trong đó, có thể kể đến hai sự nhầm lẫn “đáng tiếc” sau: Một là, có lúc đem đồng nhất phẩm chất với quá trình hoạt động (đương nhiên phải đánh giá quá trình một cách đúng đắn, đầy đủ). Có nhiều cán bộ càng hoạt động lâu dài càng tôi luyện được phẩm chất sáng ngời, nhưng không hẳn cứ có quá trình dài là phẩm chất tốt. Có những trường hợp ban đầu thì tốt, song về sau lại không giữ được; lại có trường hợp liệt kê quá trình hoạt động để xin giảm nhẹ kỷ luật, hình phạt. Hai là, có không ít trường hợp đem học vị, học hàm, bằng cấp đồng nhất với năng lực. Đương nhiên ở nhiều cán bộ học vị, học hàm và bằng cấp tiến triển cùng chiều với phát triển năng lực, trình độ, nhưng lại cũng không hiếm trường hợp có đủ loại bằng cấp, học hàm, học vị, nhưng những thứ đó chỉ đọng lại ở dạng “tiềm năng”, bằng cấp để “đối ngoại”, để làm “đối trọng” cho việc sắp xếp vị trí, cất nhắc, đề bạt (chưa kể còn cả nhiều trường hợp là bằng rởm, bằng mua…).

Khi nói đến khả năng lãnh đạo, quản lý, điều hành có vấn đề khá quan trọng và tế nhị nhưng cần phải nhắc lại để xem xét, đó là quan hệ giữa lãnh đạo và cấp dưới (người đứng đầu và người dưới quyền) về trình độ, năng lực trong quá trình vận hành bộ máy thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Trên thực tế quan hệ đó diễn ra ở nhiều cấp độ và khá phức tạp, nhưng các nhà khoa học quản lý đã khái quát thành 4 cấp độ (4 mô hình) sau:

Mô hình 1: Người đứng đầu và cả đội ngũ cán bộ, công chức đều có trình độ và năng lực cao, giỏi. Trường hợp này mọi công việc, mọi nhiệm vụ đều trôi chảy, đều được giải quyết tốt nhất, nội bộ đoàn kết. Đây là mô hình tối ưu.

Mô hình 2: Người đứng đầu và cả đội ngũ cán bộ, công chức đều yếu kém về trình độ, năng lực. Trường hợp này mọi công việc, nhiệm vụ đều bê bết, không xử lý được, nội bộ mất đoàn kết, đổ lỗi cho nhau. Đây là mô hình yếu kém.

Mô hình 3: người đứng đầu có trình độ và năng lực cao, giỏi toàn diện, nhưng đội ngũ cán bộ, công chức lại chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (còn yếu về trình độ, kém về năng lực). Trong nhiều công việc, người đứng đầu phải sát sao, chỉ đạo từng bộ phận, từng chi tiết với thời gian tác nghiệp khá dài; nội bộ đôi khi có sự lủng củng. Đây là mô hình “chờ đợi”.

Mô hình 4: Ngược lại với mô hình thứ ba, đội ngũ cán bộ, công chức rất giỏi (có trình độ, năng lực cao, rất thiện nghệ), nhưng người đứng đầu lại yếu về nghiệp vụ, kém về năng lực. Mọi công việc, mọi nhiệm vụ đều bê trễ; nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng. Đây là mô hình “đường dẫn đến sụp đổ”.

Về cách xử lý: Trong 4 mô hình thì mô hình 1 là mô hình tồn tại và phát triển. Mô hình 2 phải cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và thay đổi người đứng đầu. Mô hình 3 có thể tạm thời chấp nhận, đây cũng là mô hình tương đối phổ biến. Theo các nhà quản lý có kinh nghiệm thì người đứng đầu có tài năng, họ sẽ biết cách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từng bước dần dần “lớn lên” ngang tầm với công việc (nhớ rằng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một chức năng, một nhiệm vụ rất quan trọng của người lãnh đạo, quản lý). Còn mô hình 4 phải xóa bỏ vì nếu người đứng đầu không có chuyên môn, năng lực quản lý yếu kém sẽ không thể nào sử dụng được các cán bộ có trình độ và năng lực cao, nghĩa là sớm muộn gì cũng sẽ làm thui chột đội ngũ cán bộ giỏi.

Cần nhân rộng, phát huy mạnh mẽ mô hình 1 để có nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị như thế. Biển đổi, cải tổ mô hình hai và mô hình ba để dần dần thành mô hình một. Và kiên quyết không để tồn tại mô hình 4, đã là người đứng đầu thì phải tài cao, đức trọng song hành.

___________________________

(1) Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tập I, trang 178 - 179.

(2) Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2.1.2020 về Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCHTƯ, BCT, BBT quản lý.

Ts. Bùi Ngọc Thanh, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội