Xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng

- Thứ Bảy, 09/09/2017, 16:04 - Chia sẻ
Ngày 9.9, tại TP Hải Phòng, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH-CN và Sở KH-CN TP Hải Phòng phối hợp tổ chức Hội thảo “Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng đồng bằng sông Hồng”.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, trong quá trình hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam điều quan trọng là phải xây dựng và phát triển được hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các Vùng miền với trọng tâm là các Vùng kinh tế và hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các trường Đại học trong cả nước để thông qua đó giúp tạo dựng và lan tỏa văn hóa khởi nghiệp ĐMST trong Vùng và cả nước. Đây chính là tiền đề để xây dựng mối liên kết với các thành phần của Hệ sinh thái Vùng với hệ sinh thái quốc gia và quốc tế.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thành công, các địa phương và các ban, ngành liên quan cần có đủ kiến thức, kỹ năng tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp tương thích với các quốc gia khác đang triển khai; cần xây dựng văn hóa chấp nhận thất bại, dám đứng lên làm lại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Hội thảo cũng đã trao đổi, thảo luận, đánh giá những thuận lợi, khó khăn vướng mắc để đề xuất các giải pháp liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng.


Toàn cảnh Hội thảo

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam: Trong những năm qua, Hải phòng nhận thức sâu sắc vai trò và tầm quan trọng của phát triển KH-CN. Tác động đa chiều của toàn cầu hóa, tự do thương mại hóa , sự phát triển mạnh mẽ của KH-CN thế giới, xu thế định hình và phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ mang lại cơ hội và thách thức rất lớn cho Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng. Để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao và bền vững, thực hiện các mục tiêu chiến lược về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tất yếu phải dựa vào KH-CN mà lực lượng trung tâm là các doanh nghiệp KH-CN, doanh nghiệp ĐMST.

Thành phố đã ban hành kế hoạch phê duyệt dự án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Hải Phòng đến năm 2020 với mục tiêu hỗ trợ 100 dự án khởi nghiệp sáng tạo, trong đó ít nhất 20% kêu gọi vốn đầu tư thành công, phát triển 50 doanh nghiệp ĐMST, trong đó có ít nhất 20 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Để đạt mục tiêu này, Hải Phòng xây dựng trung tâm hỗ trợ ĐMST, tổng hợp xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST, định kỳ hàng năm tổ chức ngày hội ĐMST, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố với các hệ sinh thái khởi nghiệp của các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.


Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo các tham luận tập trung thảo luận xung quanh các vấn đề như: Giới thiệu về Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST và kế hoạch triển khai Đề án 844; Xây dựng và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thành phố Hải phòng trong mối liên kết với Hệ sinh thái Vùng đồng bằng sông Hồng; Vai trò của trường Đại học Hải Phòng trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TP Hải Phòng và định hướng phát triển hoạt động khởi nghiệp ĐMST của nhà trường trong mối liên kết với các trường đại học Vùng Đồng bằng Sông Hồng; Xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong nông nghiệp; Chia sẻ bài học thành công.

Đặc biệt, trong khuôn khổ của Hội thảo, 02 tọa đàm đã được tổ chức tập trung thảo luận về các vấn đề xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Trung ương và địa phương  và xây dựng cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trong một số lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, du lịch. Ban tổ chức đã lựa chọn 5 trong số 13 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc nhất  để tham gia Techfest Việt Nam 2017 - sự kiện lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Tin, ảnh: Lan Chi