Xây dựng hợp tác xã thông minh là yêu cầu bắt buộc

- Thứ Bảy, 16/10/2021, 09:41 - Chia sẻ
Trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển như vũ bão, xây dựng hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thông minh là yêu cầu bắt buộc. PGS.TS. Phạm Quang Hà, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, HTX Nông nghiệp số Việt Nam nhấn mạnh tại hội thảo trực tuyến Phát triển HTX nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, do Liên minh HTX Việt Nam (VCA) tổ chức ngày 15.10.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu tại Hội thảo.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu tại Hội thảo

Ứng dụng công nghệ số mới ở giai đoạn đầu

Chủ tịch VCA Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành nông nghiệp phải nằm trong cấu trúc chung của nền kinh tế số, để đồng tốc với sự phát triển chung của công nghiệp 4.0, gồm: công nghệ robot, automation (tự động hóa), IT (công nghệ thông tin), IoT (công nghệ internet kết nối vạn vật), drone (thiết bị không người lái), thương mại điện tử, marketing số big data, AI (trí tuệ nhân tạo).

Công nghệ số giúp quản lý thời gian, giảm sử dụng nước và hóa chất, sản xuất các loại cây trồng có năng suất cao, đem lại lợi nhuận cho nông dân, bảo tồn tài nguyên đồng thời giảm tác động từ phân bón hóa học. Do đó, cần có những giải pháp ứng dụng thích hợp để đưa công nghệ số thực sự là một trong những nhân tố thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam phát triển, thích ứng với xu thế toàn cầu hóa.

Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nông nghiệp là một trong tám ngành ưu tiên chuyển đổi số. Tuy vậy, hiện, việc chuyển đổi số trong các HTX vẫn chưa như kỳ vọng.

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2020 cả nước có 17.000 HTX nông nghiệp và 68 liên hiệp HTX. Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả khoảng 70%. Trong số 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%. Các HTX này chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng. Điều này khiến các HTX nông nghiệp rơi vào tình trạng không quản lý hiệu quả nguồn lực và hạn chế sự tương tác giữa các tác nhân liên quan đến hệ sinh thái.

Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin – Tuyên truyền VCA Trần Tuấn Việt bổ sung: Kết quả khảo sát 153 HTX thuộc 3 tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị và Sóc Trăng cho thấy, dù cán bộ quản lý HTX đánh giá cao mức độ quan trọng của việc áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhưng mức độ áp dụng thực tế chỉ đạt trong khoảng 1,98 - 2,82/5. Sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm chỉ đạt 2,28/5 điểm, chưa đạt yêu cầu là 3,76 điểm.

Nguyên nhân được chỉ ra là hầu hết các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin được HTX sử dụng miễn phí từ hỗ trợ của cơ quan thuế, Sở Khoa học công nghệ, Liên minh HTX tỉnh hoặc các tổ chức quốc tế. Đáng chú ý, nhiều HTX không có máy vi tính, hoặc có thì máy đã cũ và cấu hình thấp, chỉ một số văn bản được số hóa và lưu trữ trên máy vi tính. Nhiều HTX vẫn chủ yếu lưu trữ văn bản giấy, ghi chép sổ sách một cách đơn giản. Thêm vào đó, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng của các HTX cũng còn hạn chế, là rào cản trong chuyển đổi số hiện nay.

Xây dựng hợp tác xã thông minh là yêu cầu tất yếu. Ảnh: ITN
Xây dựng hợp tác xã thông minh là yêu cầu bắt buộc
Ảnh: ITN

4 nguyên tắc xây dựng HTX thông minh

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số được xác định là một trong những hướng đi quan trọng thúc đẩy các HTX nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với thị trường. Trong đó, theo PGS.TS. Phạm Quang Hà, Chủ tịch Hội đồng khoa học, HTX nông nghiệp số Việt Nam, phát triển HTX nông nghiệp thông minh là yêu cầu bắt buộc khi công nghệ số đang phát triển như vũ bão.

Theo đó, có 4 nguyên tắc xây dựng HTX thông minh, đó là: kích hoạt hệ thống thông minh tập thể, thiết lập đối tác công tư; thực hành nông nghiệp chính xác, công nghệ cao; đào tạo, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật; xây dựng đáp ứng tập thể để cùng giải quyết các vấn đề.

"Chúng ta cần thay đổi nguyên lý làm nông nghiệp, từ khai thác sang duy trì, bồi dưỡng, phục hồi, đồng thời sử dụng các tương tác hệ thống, bảo đảm tính đa dạng về của các thành phần", ông Hà lưu ý.

Chia sẻ kinh nghiệm của một trong những mô hình HTX thông minh thành công, ông Đặng Văn Chính, Giám đốc HTX Công nghệ thông tin Huế (HueTechCo.op) cho rằng, cần tích hợp nhiều nhất có thể các hoạt động sản xuất, kinh doanh cả về nông nghiệp lẫn đầu tư công vào cổng thông tin điện tử. Qua đó các doanh nghiệp, người dân có thể tra soát, theo dõi, quản lý, thực hiện các hoạt động kinh doanh nhằm chủ động thích ứng với các biến đổi. Hiện HueTechCo.op triển khai trên 50 sản phẩm, dịch vụ ở hơn 20 tỉnh, thành phố, trong đó chú trọng thông tin thông suốt tại Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế.

Còn theo bà Nguyễn Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, việc hình thành các HTX trên cơ sở số hóa, minh bạch thông tin, giám sát thuận tiện với mục tiêu “cùng mua – cùng làm – cùng bán” sẽ tiết giảm chi phí sản xuất, kết nối thị trường. Đồng thời, các hộ nông dân sẽ kết nối với nhau trên nền tảng số, giám sát trực tiếp, minh bạch thông tin. Điều này sẽ tránh việc giả mạo sản phẩm của những cơ sở có chứng chỉ chất lượng cao, nhất là việc giả mạo mã vùng trồng, mã xưởng khi xuất khẩu.

Đan Thanh