Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Xây dựng khung pháp lý phù hợp, sát thực tiễn

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 06:34 - Chia sẻ
Bảo hiểm vi mô là loại hình bảo hiểm mang tính xã hội rất cao, được thiết kế cung cấp cho người nghèo, người thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội. Theo các đại biểu, với một chương, 2 quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là quá ít và chưa đủ khung pháp lý vững chắc. Vì thế, cần có sự tham vấn, lấy ý kiến tổ chức, công ty bảo hiểm và đối tượng thụ hưởng để tìm hiểu kỹ nhu cầu, khó khăn, rào cản trong thực hiện sản phẩm này, từ đó xây dựng khung pháp lý phù hợp và sát với thực tiễn hơn.

Còn thiếu tính khả thi

Bảo hiểm vi mô là một trong những nội dung giành được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận trực tuyến sáng qua. Theo đánh giá của đại biểu, việc bổ sung một chương về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này là hết sức cần thiết. Đây là loại hình bảo hiểm mang tính xã hội rất cao, góp phần xóa đói giảm nghèo. Sản phẩm của bảo hiểm vi mô được thiết kế cung cấp cho người nghèo, người thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu, nhằm đáp ứng nhu cầu tiết kiệm và bảo vệ họ trước những rủi ro trong cuộc sống. Với ý nghĩa này, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu rõ, bảo hiểm vi mô là một trong những gói giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện, giúp cho người nghèo có thói quen tích luỹ tài chính. Tiếc rằng, việc triển khai gói bảo hiểm này ở nước ta chưa thực sự phát triển. Sản phẩm bảo hiểm thông thường nhưng rủi ro lại nhiều hơn nên đa số doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm tại nước ta đều chưa muốn cung cấp bảo hiểm vi mô, cho nên đến nay vẫn còn khoảng trống về chính sách, pháp luật đối với loại hình bảo hiểm này.

Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua có 3 công ty được Bộ Tài chính phê duyệt kinh doanh bảo hiểm vi mô là Frudential, Manulife và Dai - Ichi Việt Nam. Nhưng đến nay, chỉ có công ty Manulife thực hiện một loại hình kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Sự tham gia bảo hiểm vi mô trên thị trường vẫn còn rất khó khăn, so với số lợi nhuận của bảo hiểm thương mại mang lại thì tỷ lệ lợi nhuận kinh doanh của bảo hiểm vi mô rất khiêm tốn.  

Hiện nay, Chính phủ cho phép hai tổ chức chính trị - xã hội tham gia bảo hiểm vi mô, đó là của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Sau 4 năm hoạt động, bảo hiểm vi mô của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã dừng lại. Sau 8 năm hoạt động, đến tháng 7.2021 vừa qua Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 77 dừng việc thí điểm kinh doanh bảo hiểm vi mô của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, vì lý do chưa có khung pháp lý phù hợp. Thời điểm khi kết thúc các bảo hiểm vi mô của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam còn khoảng 130.000 hợp đồng còn hiệu lực và doanh thu phí bảo hiểm là 8,6 tỷ đồng, một con số rất nhỏ bé.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ĐBQH Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) nêu rõ, Chính phủ các nước đều coi việc phát triển bảo hiểm vi mô và tài chính toàn diện nói chung là một giải pháp để cải thiện cuộc sống của người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp. Hầu hết các nước đang phát triển ở khu vực châu Á, Mỹ La tinh đều triển khai loại hình kinh doanh bảo hiểm vi mô với tỷ lệ dân số tham gia khá cao. Ví dụ, Thái Lan là 14%, Philippines 20%, ở Chilê, Peru, Brazil đều từ 10 - 15% dân số. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật, đại biểu Lâm Văn Đoan lưu ý, thiết kế về bảo hiểm vi mô rất mỏng, gồm một chương, 2 điều với các quy định khung, còn thiếu tính khả thi, chưa tương xứng với tầm quan trọng của loại bảo hiểm này.

Tạo lưới đỡ an sinh cho người nghèo, người yếu thế

Chỉ rõ với 2 điều quy định về bảo hiểm vi mô là quá ít và chưa đủ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho loại bảo hiểm này, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho rằng, mô hình bảo hiểm vi mô cần được quản trị, kiểm soát rủi ro tốt, nếu không sẽ dẫn đến tiêu cực. Vì vậy, các quy định về mô hình tổ chức, điều kiện hoạt động, loại hình doanh nghiệp, tổ chức được phép thực hiện bảo hiểm vi mô phải rất đầy đủ, minh bạch. Hiện nay, dự thảo Luật quy định 2 loại hình tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô là doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tương hỗ. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nên có quy định hạn ngạch cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô để nâng cao tính trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Mặt khác, để xây dựng khung pháp lý phù hợp, sát với thực tiễn, đại biểu Lâm Văn Đoan đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải tham vấn, lấy ý kiến đối thoại trực tiếp với các công ty bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm nước ngoài, tổ chức bảo hiểm Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội có nhu cầu tham gia kinh doanh bảo hiểm vi mô để tìm hiểu, phân tích nhu cầu, các khó khăn, rào cản trong thực hiện sản phẩm vi mô. Thực hiện nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho người nghèo, người thu nhập thấp. Trong đó, có chính sách khuyến khích, hợp tác các doanh nghiệp, các tổ chức bảo hiểm vi mô và các tổ chức công nghệ tài chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục dịch vụ thuận lợi với chi phí thấp cho người nghèo, người dân ở khu vực nông thôn, nông dân. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc ứng dụng các công nghệ vào đóng, hưởng bảo hiểm vi mô sẽ góp phần nhanh gọn, đúng đối tượng, chuyển hỗ trợ bằng nhiều kênh khác nhau. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần giảm chi phí và tăng hiệu quả tiếp cận của người dân.

Đây cũng là một trong những nội dung nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự án Luật, theo đó đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá vì sao trong 16 năm qua, chưa có tổ chức bảo hiểm tương hỗ nào được thành lập theo Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24.2.2005 của Chính phủ. Theo ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) lưu ý, trên cơ sở những tổng kết, đánh giá này để có chính sách khuyến khích sự tham gia không chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm mà của các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia vào sự phát triển của bảo hiểm vi mô. Tạo điều kiện, cơ hội có nhiều kênh đưa sản phẩm bảo hiểm đến gần hơn với người nghèo, người thu nhập thấp, góp phần tạo lưới đỡ an sinh cho vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhu cầu và ý nghĩa chính trị của loại hình bảo hiểm vi mô là sáng rõ, rất nhân văn. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại chưa như mục tiêu và mong muốn, trong khi đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển, đối tượng tham gia rất đông và nếu có rủi ro sẽ tác động rất lớn đến xã hội. Vì vậy, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với việc phát triển hệ thống tổ chức, chương trình, dự án bảo hiểm vi mô là phải thực sự an toàn, bền vững, phù hợp với mục tiêu, chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.         

Hoàng Ngọc