Xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng thông minh

- Thứ Tư, 29/12/2021, 06:54 - Chia sẻ
Tại Hội thảo “Dấu ấn COP26 và thách thức đặt ra đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm Việt Nam” sáng 28.12, các chuyên gia cho rằng, để rút ngắn lộ trình tiến tới phát thải ròng bằng 0, Việt Nam cần có những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt từ chính sách đến thực thi cụ thể của doanh nghiệp, cộng đồng; tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư để huy động tối đa nguồn lực xã hội.
	Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và nhất trí ủng hộ những tuyên bố, sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, giảm thiểu khí metan,… Qua đó, thể hiện mong muốn cũng như tham vọng của Việt Nam trong chuyển đổi nhanh chóng mô hình phát triển từ nâu sang xanh, ít phát thải, thân thiện với môi trường. Điều này cần một lộ trình chuyển đổi thông minh về năng lượng, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các bên liên quan, trong đó có các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cam kết của Việt Nam tại COP26 mở ra cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện cam kết này, tới đây các nguồn tài chính quốc tế cho phát triển điện than sẽ sớm chấm dứt và chuyển sang tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, duy trì, phát triển rừng và bảo vệ các hệ sinh thái.

Đáng chú ý, quá trình thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 sẽ chịu tác động không nhỏ từ những biến động trên thế giới. TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, mục tiêu chung của các quốc gia là huy động được 100 tỷ USD/năm cam kết từ 2015 nhưng đại dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến khó lường, kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ chi cho các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính vẫn ở mức cao trong khi nhu cầu chi cho thích ứng tại các nước đang phát triển rất lớn và rất cấp bách để có thể tồn tại. Thiếu cơ chế minh bạch cung cấp tài chính từ các nước phát triển, vai trò của các ngân hàng phát triển và các ngân hàng thương mại tăng lên tuy nhiên đến nay điều kiện chưa rõ ràng.

Tại Việt Nam, nguồn lực trong nước đang rất thiếu, nguồn lực nước ngoài dồi dào nhưng khó vào do vướng cơ chế, thủ tục hành chính. Bài toán về nhân lực trong nước vẫn chưa có lời giải, hiện chưa đáp ứng để áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến. Tâm lý vì lợi ích trước mắt, bỏ qua lợi ích lâu dài còn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của toàn xã hội. 

Tận dụng mọi cơ hội huy động nguồn lực

Để thực hiện cam kết tại COP26, theo PGS.TS. Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện Khoa học công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, phải nhanh chóng chuyển đổi năng lượng từ một hệ thống lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang một hệ thống với tỷ trọng lớn của các nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời, xây dựng chiến lược giảm phát thải thông qua chuyển dịch năng lượng nhằm góp phần cùng cộng đồng quốc tế đạt được trung hòa carbon vào năm 2050.

Theo ông, chúng ta có cam kết chung là bảo vệ môi trường thế giới, cộng đồng, nhưng tùy vào hoàn cảnh cụ thể, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cần có những mục tiêu, lộ trình khác nhau để hướng tới trung hòa carbon. Do vậy, chiến lược phát triển dài hạn có vai trò rất quan trọng, không chỉ giúp thúc đẩy phát triển phát thải thấp với tất cả các bên có liên quan mà còn thu hút sự hỗ trợ, đầu tư từ các tổ chức, quốc gia khác. Không có lộ trình cụ thể sẽ không thể giải ngân các nguồn kinh phí hỗ trợ cho tăng trưởng xanh.

Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường. Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng để đạt được, trước hết cần tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp thuộc nhóm cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và phát thải khí nhà kính trọng điểm để thực hiện tốt công tác kiểm kê và báo cáo. Các ngành liên quan cần nghiên cứu và hướng dẫn, định hướng cho các doanh nghiệp liên quan tới lộ trình tiến tới phát thải ròng bằng 0 của ngành mình.

Quan trọng hơn là tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho các dự án phát triển ít phát thải, ông Hà Đăng Sơn nhấn mạnh.

Minh Trang