Xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh

- Thứ Sáu, 31/12/2021, 15:16 - Chia sẻ
Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ, ngày càng gia tăng các vụ việc không chỉ bắt nạt, bạo hành trực tiếp, mà cả trên môi trường số. Bên cạnh đó, tội phạm mại dâm, HIV/ AIDS và tệ nạn xã hội trong trường học cũng rất đáng được quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

Sáng 31.12, Cơ quan Thường trực Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực tổ chức hội thảo chuyên đề "Phòng chống bạo lực học đường, tội phạm mại dâm, HIV/ AIDS và tệ nạn xã hội trong trường học", theo hình thức tập trung tại Hà Nội kêt hợp trực tuyến tại các điểm cầu. 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chủ trì Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược con người. Nhiều quy định bảo vệ trẻ em đã được xây dựng. Ngành giáo dục cũng đã luôn quan tâm đến việc xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý, nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh... Tuy nhiên, bạo lực học đường là một trong những vấn nạn vẫn tồn tại ở các nhà trường, mức độ gia tăng ngày càng cao, với hàng nghìn vụ học sinh đánh nhau mỗi năm.

Bên cạnh đó, theo đại diện Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, những năm gần đây, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là bạo lực tình dục, bạo lực học đường, bạo lực gia đình... mặc dù được kiềm chế song luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng và có diễn biến phức tạp. Tội phạm xâm hại, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em đã len lỏi vào nhiều gia đình, nhà trường, bệnh viện, thậm chí cả trung tâm bảo trợ trẻ em; nhiều vụ cha xâm hại con, ông, cậu, chú xâm hại cháu; giáo viên, nhân viên nhà trường xâm hại học sinh... ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền và sự phát triển bình thường của trẻ. Ngoài ra, các hành vi mua bán trẻ em, mang thai hộ vì mục đích thương mại đã để lại hậu quả lâu dài và rất khó khắc phục đối với các em cũng như cộng đồng xã hội.

Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong lứa tuổi chưa thành niên (dưới 18 tuổi) có chiều hướng phức tạp không những ở đô thị mà đã xuất hiện nhiều tại địa bàn miền núi, nông thôn... Đáng lo ngại là nhiều vụ phạm tội do người chưa thành niên gây ra có phương thức thủ đoạn manh động, tàn nhẫn, tinh vi không kém các vụ do người đã trưởng thành gây ra...

Nhiều ý kiến tại Hội thảo khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục trong phòng chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội trong trường học

Nhiều ý kiến nhận định, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường cùng với sự mở cửa, hội nhập, giao thoa văn hóa và sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng internet đã làm biến đổi không nhỏ lối sống của đại bộ phận dân cư, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Bên cạnh đó, do giáo dục tại một số gia đình chưa lành mạnh, chưa có phương pháp, tình trạng bạo hành trong gia đình, sự thiếu quan tâm phối hợp với nhà trường trong việc theo dõi chăm sóc con cái đã tác động tới quá trình hình thành nhân cách của học sinh, làm cho các em có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, dễ vi phạm pháp luật. 

Nhiều thầy cô, nhà nghiên cứu cho rằng, vai trò của giáo dục học đường vô cùng quan trọng trong phòng chống bạo lực học đường, tội phạm mại dâm, HIV/ AIDS và tệ nạn xã hội trong trường học. Trong đó, chú trọng xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh nhằm giáo dục một thế hệ trẻ lành mạnh; tạo môi trường cho học sinh tự rèn luyện, tự phát triển, có nhận thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường và tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật cho học sinh, sinh viên; tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội...

Đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho rằng: Thời gian qua, bên cạnh dạy chữ, giáo dục cũng chú trọng dạy người, và có sự chuyển mình mạnh mẽ. Phòng chống bạo lực trong học đường thời gian qua đã thực hiện khá tốt, tuy nhiên, việc phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội trong phòng chống bạo lực ngoài nhà trường còn hạn chế, cần coi trọng quan tâm hơn thời gian tới. 

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có đủ kiến thức, kỹ năng trong vấn đề phòng chống bạo lực học đường và tệ nạn trong trường học để truyền tải, trợ giúp học sinh, sinh viên; thời gian tới, cần đẩy mạnh giáo dục lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến trong học sinh, sinh viên, truyên truyền động viên khen thưởng người tốt việc tốt để dẹp đi cái xấu... 

Ng. Phương