Tung tin thất thiệt về phòng chống Covid-19

Xây dựng môi trường mạng trong sạch

- Thứ Năm, 25/02/2021, 05:53 - Chia sẻ
Thực tế, thời gian qua, nhiều cá nhân đã bị cơ quan cảnh sát triệu tập, xử lý vì đăng thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật về đối tượng, lịch trình, diễn biến dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, tình trạng tin giả vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí có trường hợp phát tán văn bản giả mạo chữ ký, con dấu của lãnh đạo trong việc chỉ đạo dịch, gây hoang mang và bất an cho cộng đồng, dư luận.

Nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý

Những ngày qua, Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Đảng, Nhà nước, toàn quân và dân ta đã luôn đồng lòng với một quyết tâm là đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, lực lượng công an với nỗ lực và quyết tâm cao nhất tham gia đóng góp tích cực trên mọi mặt của công tác phòng, chống dịch bệnh, là chỗ dựa vững chắc cho Nhân dân.

một đối tượng tung tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 bị công an triệu tập Nguồn: ITN
Một đối tượng tung tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 bị công an triệu tập
Nguồn: ITN

Tuy nhiên, không ít đối tượng đã bột phát, tự ý phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh. Đơn cử, ngày 2.2, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội đã lập hồ sơ xử lý trường hợp chị D.T (SN 1995, trú tại quận Đống Đa) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh. Trước đó, chị D.T đã đăng tải thông tin sai sự thật trên Facebook với nội dung: “Không biết đã tìm đc e tay vịn chưa, cô nào thì cũng thua covid” kèm theo hình ảnh liên quan đến lịch trình di chuyển của một bệnh nhân Covid-19.

Tương tự tại Gia Lai, sau khi tỉnh này có ghi nhận trường hợp dương tính lần 1 với SAR-CoV-2, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin không đúng sự thật gây hoang mang dư luận. Cụ thể, trong ngày 31.1, trên một số nhóm Zalo đã lan truyền văn bản thông tin lịch trình của ông Lâm Quang S và chị Nguyễn Thị Hồng L ở thị xã Ayun Pa, trong đó viết: Ngày 23.1, ông S và chị L bay từ Hà Nội về Pleiku có mua sắm tại siêu thị Coop Mart Gia Lai rồi mới về Ayun Pa, trong khi 2 người này không phải là 2 trường hợp ghi nhận dương tính với SAR-CoV-2 tại thị xã Ayun Pa. Nhiều người khi nghe thông tin tưởng 2 trường hợp đầu tiên được cơ quan chức năng ghi nhận dương tính lần 1 với Covid-19 có đi siêu thị Coop Mart Gia Lai dẫn đến hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, nội dung này ngay sau đó được cơ quan chức năng xác nhận đây là thông tin giả, không đúng sự thật.

Ngoài những thông tin sai sự thật về cá nhân, lịch trình của các ca bệnh, thời gian gần đây - khi mà Hải Dương đang là tâm điểm của đợt dịch lần này, ngay sau đó trên mạng xã hội Facebook, nhóm kín Zalo đồng loạt xuất hiện các văn bản giả mạo con dấu, chữ ký của một số lãnh đạo tỉnh, thành phố về việc chỉ đạo công tác phòng chống dịch cho học sinh nghỉ học. Đơn cử, ngày 21.2, trên mạng xã hội xuất hiện một văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam cho học sinh tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 21.3.2021. Văn bản này mang số 234/UBND-KGVX, ngày 21.2.2021 về việc, cho học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghỉ học sau Tết nguyên đán Tân Sửu 2021 từ ngày 21. 2 đến hết ngày 21.3.2021 để phòng chống dịch Covid-19, do ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký. Tuy nhiên, sau đó ông Trần Văn Tân khẳng định, đây là văn bản giả mạo...

Cùng vào cuộc đẩy lùi tin xấu, độc

Theo quy định của pháp luật: Trường hợp, cá nhân hay tổ chức có hành vi đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về "Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông". Cụ thể, Điều 156, Bộ luật Hình sự quy định: "Bịa đặt hoặc lan truyền biết rõ là sai sự thật có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm". Thậm chí, mức phạt cao nhất mang tính răn đe đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng cũng được thể hiện tại Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015 là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù 2 - 7 năm...

Thống kê của Công an Hà Nội cho thấy, từ ngày 1.2 đến 18.2.2021, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Hà Nội đã xử lý 16 trường hợp đăng tin sai sự thật về dịch bệnh trên mạng xã hội, đồng thời yêu cầu các đối tượng bóc gỡ toàn bộ bài viết không đúng sự thật trên mạng xã hội.

Nhận định về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, Đại tá Nguyễn Ngọc Cương cho biết: Thời gian qua lực lượng chức năng đã nỗ lực trong việc điều tra, khám phá, truy dấu và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm, song tình hình đăng tải, đưa thông tin xấu độc, gây hoang mang trong quần chúng Nhân dân diễn ra ngày càng phức tạp, với rất nhiều thủ đoạn. Đặc biệt, qua đấu tranh, khám phá của các lực lượng đã phát hiện sự tấn công mã độc trong đó có đính kèm những tin tức giả mạo chỉ thị về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Để không bị ảnh hưởng bởi tin giả tấn công, cơ quan chức năng là Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, công an các địa phương đã liên tiếp đưa ra những cảnh báo: Người dân cần cảnh giác, chọn lọc thông tin, không chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở; Tiếp nhận thông tin thông qua các trang chính thống, có uy tín để tránh những hậu quả đáng tiếc do thiếu hiểu biết, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng...

Từ thực tiễn là một đơn vị chuyên truy vết, xử lý tin giả, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông Lưu Đình Phúc cũng cho biết: Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử có nhiệm vụ phát hiện thẩm định, gắn nhãn tin giả, công bố thông tin xác thực, tin giả, tin sai sự thật trên trang tingia.gov.vn. Tuy nhiên, trước tình trạng tin giả vẫn xuất hiện trên mạng xã hội, gây hoang mang cho cộng đồng, việc nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng xã hội, để không đăng tải hoặc chia sẻ thông tin không đúng sự thật trên các trang mạng xã hội là điều cần thiết. Bên cạnh đó, cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất đồng bộ của các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí, để thẩm định thông tin, công bố tin giả, lan tỏa sự thật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin xấu độc, xây dựng môi trường mạng trong sạch, bình yên cho mọi người”. Về phía người dùng mạng xã hội cũng nên tỉnh táo khi chia sẻ thông tin. Bởi không chỉ những người đăng thông tin sai sự thật bị xử lý mà những người chia sẻ thông tin sai sự thật cũng bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hải Thanh - Đức Thọ