Xây dựng nền hành chính vì dân

- Chủ Nhật, 01/11/2020, 08:58 - Chia sẻ
Mặc dù đạt nhiều kết quả trong công tác cải cách hành chính: Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) liên tục xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố (các năm 2017, 2018, 2019); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố (SIPAS) đạt trên 80%... Tuy nhiên, việc xây dựng chính quyền đô thị, thành phố thông minh của Hà Nội sẽ không thành công nếu không có một nền hành chính công khai, minh bạch.

Các chỉ số đánh giá được cải thiện 

TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy định, chính thức triển khai áp dụng mô hình cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, thành phố đã tập trung đầu tư đồng bộ, thống nhất hệ thống trang thiết bị, phần mềm cho các cơ quan từ thành phố đến xã, phường, thị trấn để phục vụ công tác quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà

Trong những năm qua, cải cách hành chính luôn được thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, tinh thần đó càng được phát huy trong những ngày đầu thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ thành phố lần thứ 17. Cụ thể, nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Thành phố đã thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị. Trong đó, chú trọng công khai các thủ tục hành chính công, các dự án, quy hoạch; đổi mới quy trình, thủ tục giao dịch trong giải quyết công việc với người dân và doanh nghiệp... Qua đó, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, mức độ thu hút đầu tư; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm đều hoàn thành và vượt kế hoạch.

Điểm lại kết quả từ công tác cải cách hành chính trong những năm qua của TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu khẳng định: Các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố được cải thiện qua các năm và có sự chuyển biến rõ rệt: Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) liên tục xếp thứ hạng rất cao, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố (trong 3 năm 2017, 2018, 2019) so với năm 2015 xếp thứ 9/63; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012 (thuộc top 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất). Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố (SIPAS) tiếp tục đạt trên 80%. Đặc biệt, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong vận hành hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp, có tỷ lệ dịch vụ công mức 3, mức 4 đạt 97%...

Cán bộ làm thủ tục cấp vé xe buýt cho người cao tuổi

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

Mặc dù cải cách hành chính của Hà Nội đã được tiến hành từng bước, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn các khâu đột phá của từng giai đoạn trong quá trình đổi mới và đã đạt kết quả nổi bật; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố có nhiều đổi mới theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”, “một người, một việc, một đầu mối xuyên suốt”... song Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cũng thừa nhận: Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô. Cụ thể, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, còn thiếu những biện pháp để khắc phục hạn chế, khuyết điểm; kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc còn chưa nghiêm; tinh thần, thái độ trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân có nơi, có lúc còn chưa tốt; Chỉ số cải cách hành chính trong những năm gần đây luôn đứng thứ hạng cao, nhưng vẫn còn một số nội dung, nhiệm vụ chưa triển khai triệt để; Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAPI còn ở thứ hạng thấp...

Khắc phục tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng: Cải cách hành chính là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của các quốc gia. Trong mỗi quốc gia, nền hành chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước các lĩnh vực của xã hội. Đây là khâu trọng yếu quyết định sự phát triển xã hội nói chung và sự tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế nói riêng. Theo đó, cùng với sự chuyển biến của nền kinh tế - xã hội đòi hỏi nền hành chính cũng cần được đổi mới, cải cách cho phù hợp với yêu cầu tiến bộ xã hội, do vậy cải cách hành chính có vai trò vô cùng quan trọng. Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, TS. Võ Hải Long: Trong thời gian tới Hà Nội cần tiếp tục triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm công tác cải cách hành chính, bảo đảm sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân vào hoạt động quản lý của các cấp chính quyền; tập trung phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Cũng theo nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó GS.TS. Nguyễn Chí Mỳ: Không thể đổi mới, cải cách kinh tế có hiệu quả nếu không đẩy mạnh cải cách hành chính. Không có một cơ chế quản lý hành chính phù hợp sẽ không có sự phát triển của kinh tế. Hà Nội hôm nay đang xây dựng chính quyền đô thị, thành phố thông minh trong điều kiện Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư phát triển mạnh mẽ. Xây dựng chính quyền đô thị, thành phố thông minh sẽ không thành công nếu không có một nền hành chính phù hợp. Chính quyền đô thị, thành phố thông minh sẽ thành công, nếu có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mạnh, một nền hành chính thành thạo quản lý và điều hành, trong sạch, vì dân.

Bài và ảnh: Hải Thanh