Xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ con người

- Thứ Tư, 29/12/2021, 18:39 - Chia sẻ
Đây là nội dung được tỉnh Quảng Trị quán triệt khi bắt tay xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, có cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Hơn 57 nghìn lao động nông thôn được học nghề

Mục tiêu đề ra trong thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2010 - 2015 là nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề, tạo khả năng và cơ hội cho người lao động được tiếp cận, lựa chọn nghề, học nghề nhằm tạo việc làm, nhất là cho đối tượng thanh niên, lao động nữ, lao động là người nghèo ở khu vực nông thôn. Trong giai đoạn 2016 – 2020 và giai đoạn tiếp theo là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo.

Sau 11 năm, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức tuyển sinh và dạy nghề cho hơn 57.482 lao động nông thôn, trong đó, dạy nghề: 33.424 người; dạy nghề phi nông nghiệp 24.058 người; trên 80% lao động sau khi đào tạo đã có việc làm nhằm ổn định cuộc sống. Công tác đào tạo nghề đa dạng về hình thức và loại hình đầo tạo: đến nay có 22 cơ sở, bao gồm: 4 trường trung cấp, 2 trường cao đẳng, 9 trung tâm dạy nghề và 8 cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó, cơ sở đào tạo nghề công lập chiếm 75%.

Quảng Trị chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng

Nguồn: ITN

Việc đào tạo nghề theo nhu cầu của các doanh nghiệp cũng được chú trọng, các cơ sở dạy nghề đã hợp đồng đào tạo và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo theo hình thức truyền nghề, kèm nghề và bố trí việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngành nghề được đào tạo chủ yếu là: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng lúa, đậu, lạc, vừng, trồng rau sạch, trồng hoa, kỹ thuật hàn, điện, điện dân dụng, may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp và giúp việc gia đình. Một số mô hình đạt hiệu quả cao và được triển khai trên diện rộng như: mô hình trồng và chăm sóc ném trên cát ở một số xã thuộc huyện Hải Lăng; mô hình trồng và chăm sóc các loại hoa ở Cam Lộ; trồng sắn tại các xã Vùng Lìa, huyện Hướng Hóa; mô hình sản xuất nón lá ở Hải Lăng hay các mô hình nghề May công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn. Bên cạnh đó, các nghề nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học được lựa chọn xây dựng mô hình và nhân rộng, như: kỹ thuật nuôi tôm, trồng nấm, chăn nuôi gà, lợn, bò, kỹ thuật trồng cây ăn quả. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã thực sự có tác dụng chuyển đổi nhận thức về học nghề, việc làm, trang bị những kiến thức cơ bản, nâng cao tay nghề cho người lao động. Sau học nghề đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, cho thu nhập cao góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

4 giải pháp cho dạy nghề và tạo việc làm

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo. Thời gian tới, Hà Giang quán triệt các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tạo sự lan tỏa, từng bước làm thay đổi được nhận thức của người lao động về công tác đào tạo nghề, làm cho người lao động xác định được đào tạo nghề vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của mình để chủ động và tích cực tham gia học nghề giải quyết việc làm. Cần coi trọng công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp gắn với giải quyết có hiệu quả việc làm cho người lao động sau khi đào tạo.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình và phương pháp dạy nghề cho lao động nông thôn, phát huy năng lực, tăng cường tính chủ động, tích cực của người học nghề. Nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo phải phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đặc điểm vùng miền, đề án tái cấu trúc nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và điều kiện của người học nghề. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và giáo viên dạy nghề, nâng cao chất lượng, đảm bảo cơ cấu và số lượng; chuẩn hóa trong công tác tuyển chọn, sử dụng cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dạy nghề; tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực dạy nghề; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với đào tạo nghề; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, trong đó, ưu tiên ngành nghề nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu nông lâm sản và lĩnh vực phi nông nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc, dịch vụ du lịch.

Cuối cùng, cần phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc thực hiện giám sát đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Thường xuyên tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với từng lớp đào tạo trước khi mở lớp, trong quá trình đào tạo, việc sử dụng kinh phí và thực hiện các chính sách của nhà nước đối với người học nghề, công tác giải quyết việc làm sau đào tạo của người học góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kịp thời biểu dương, khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Bình Nhi