Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Campuchia - Lào - Việt Nam:

Xây dựng, phát triển, kết nối khu vực Tam giác phát triển

- Thứ Bảy, 25/09/2021, 06:24 - Chia sẻ
Đánh giá kết quả Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Campuchia - Lào - Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại VŨ HẢI HÀ khẳng định, thành công của Hội nghị thể hiện tình cảm đoàn kết của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ba nước. Hội nghị tiếp tục là diễn đàn hữu ích để các ĐBQH ba nước đồng hành với Chính phủ ba nước xây dựng và phát triển, kết nối các địa phương tại khu vực Tam giác phát triển (TGPT) CLV.

Bảo đảm cơ chế hợp tác thường niên giữa ba Ủy ban Đối ngoại

-  Ông đánh giá thế nào kết quả Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam về khu vực Tam giác phát triển CLV?

- Hội nghị với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì phát triển bền vững và ứng phó với khủng hoảng Covid-19 ở khu vực Tam giác phát triển CLV” do Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông Quốc hội Vương quốc Campuchia chủ trì tổ chức ngày 23.9 đã thành công tốt đẹp trên nhiều phương diện. 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại cả ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam, ba Ủy ban Đối ngoại đã linh hoạt thay đổi hình thức tổ chức sang hình thức trực tuyến lần đầu tiên sau 7 lần Hội nghị tổ chức trực tiếp, nhằm bảo đảm cơ chế hợp tác thường niên giữa ba Ủy ban Đối ngoại về khu vực TGPT không bị ngắt quãng bởi dịch bệnh Covid-19 và tiếp tục được ĐBQH ba nước quan tâm thúc đẩy.

Nội dung của Hội nghị rất phù hợp và thiết thực trong bối cảnh ba nước đang phải dồn sức để ứng phó với đại dịch Covid-19, đồng thời phấn đấu duy trì và phát triển kinh tế quốc gia. Các đại biểu tham dự Hội nghị đã có sự chuẩn bị tốt, thể hiện qua các bài phát biểu, báo cáo của Ban điều phối ba nước, báo cáo giám sát của ba Ủy ban Đối ngoại và các kiến nghị cụ thể của các địa phương trong khu vực TGPT ba nước.

Với tinh thần đoàn kết, hữu nghị, trách nhiệm, các đại biểu đã thảo luận rất sôi nổi và cởi mở, chân thành, thẳng thắn. Nội dung thảo luận đi thẳng vào các vấn đề thiết thực mà các địa phương ba nước mong muốn thúc đẩy, nhất là các nội dung chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác trong công tác phòng, chống Covid-19 giữa ba nước, ba Quốc hội.

Hội nghị đã thành công tốt đẹp, ba Ủy ban Đối ngoại sẽ tổng hợp các kiến nghị tại Hội nghị để gửi tới các cơ quan hữu quan của ba Chính phủ và báo cáo Lãnh đạo Quốc hội ba nước. Thành công của Hội nghị thể hiện tình cảm đoàn kết của các đại biểu Quốc hội ba nước và tiếp tục là diễn đàn hữu ích để các đại biểu Quốc hội ba nước đồng hành với ba Chính phủ xây dựng và phát triển, kết nối các địa phương tại khu vực TGPT ba nước.

- Mặc dù gói gọn trong một ngày làm việc nhưng hội nghị đã đạt được nhiều kết quả tích cực và cụ thể, thưa ông?

- Sau một ngày làm việc khẩn trương, tích cực, ba Ủy ban Đối ngoại đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị. Tại Tuyên bố chung, Ủy ban đối ngoại ba nước đã đánh giá về kết quả triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước, công tác ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong khu vực TGPT CLV thời gian qua và định hướng trong thời gian tới. Đồng thời, Tuyên bố chung cũng nêu những đề xuất nhằm tăng cường phối hợp công tác chặt chẽ giữa ba nước, ba Ủy ban Điều phối chung và giữa các địa phương trong khu vực TGPT CLV.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng mặt bằng khu vực TGPT CLV còn chưa phát triển bằng các vùng khác, có nhiều bất lợi về điều kiện tự nhiên, xã hội, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn... Do vậy, các đại biểu đề nghị cần hoàn thiện thể chế, các quy định về ưu đãi nhiều hơn nữa thương mại và đầu tư để khuyến khích các nhà đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng, đơn giản hóa hơn cho thủ tục thông quan hàng hóa; tăng cường hợp tác về giáo dục cũng là nội dung được thảo luận.

Thực tế cho thấy, các tỉnh trong TGPT của Việt Nam hàng năm đón, tiếp nhận nhiều học sinh, sinh viên và cán bộ thuộc diện bồi dưỡng sang các địa phương học tập, bồi dưỡng; các cơ sở y tế trong Khu vực được quan tâm đầu tư, nhất là phía Việt Nam. Theo đó, các cơ sở y tế này không chỉ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương mà còn tiếp nhận nhân dân phía Lào, Campuchia qua thăm khám và chữa bệnh. Đại biểu của Campuchia và Lào đều ghi nhận và cảm ơn vì sự hỗ trợ giúp đỡ chí tình của Việt Nam. Hội nghị cũng ghi nhận sự phối hợp của các cơ quan, địa phương 13 tỉnh khu vực tam giác phát triển trong công tác phân giới cắm mốc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị giữa ba nước.

Ngoài ra, Hội nghị cũng tiếp tục thảo luận về tính hiệu quả và đưa ra các khuyến nghị về việc huy động sự tham gia của các đối tác phát triển, các tổ chức tài chính quốc tế phục vụ cho việc triển khai được thuận lợi các thỏa thuận đã được thống nhất giữa ba nước.

Tập trung giải quyết những tồn tại trong thực hiện thỏa thuận hợp tác

- Diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các đại biểu của ba nước đã chia sẻ mối quan tâm chung về ứng phó với đại dịch như thế nào, thưa ông?

- Hội nghị đã dành phần lớn thời gian chia sẻ về những lo ngại trước tình hình diễn biến của dịch Covid-19 hiện nay. Các đại biểu chia sẻ với chức năng của mình Quốc hội cần đồng hành với Chính phủ mỗi nước trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các Chính phủ triển khai các hoạt động ứng phó đại dịch Covid-19 và tái phục hồi kinh tế; tạo điều kiện tốt hơn cho việc nhập khẩu, tạo thuận lợi tiếp cận vaccine công bằng, ủng hộ việc miễn trừ nghĩa vụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 để vaccine sớm được phổ biến rộng rãi đến tất cả các nước trên thế giới; cơ chế phối hợp trong phòng chống dịch bệnh lây lan xuyên biên giới.

Bên cạnh đó các đại biểu cũng có các khuyến nghị trong tương lai kiến nghị với Chính phủ ba nước xem xét khả năng sử dụng “Thẻ xanh”, “Hộ chiếu vaccine” đối với những người đã tiêm đủ số mũi vaccine được đi lại giữa ba nước để du lịch, làm việc... góp phần sớm phục hồi nền kinh tế.

- Thời gian tới, Ủy ban Đối ngoại ba nước sẽ tập trung vào những nhiệm vụ nào nhằm góp phần tạo đột phá trong phát triển khu vực, thưa ông? 

- Bên cạnh những kết quả triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong khu vực TGPT CLV mà Hội nghị đã ghi nhận, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai hợp tác khu vực TGPT như: điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là công trình giao thông, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, năng lực sản xuất và thương mại 13 tỉnh trong khu vực TGPT còn thấp; công tác phân giới, cắm mốc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia cần tập trung triển khai trong thời gian tới; tình hình an ninh, an toàn tại khu vực biên giới; tội phạm xuyên biên giới; nguồn lực thực hiện các dự án trong khu vực TGPT còn hạn hẹp, nguồn hỗ trợ chủ yếu hiện nay đến từ nước đối tác Nhật Bản; các chính sách thu hút đầu tư trong khu vực TGPT thời gian qua chưa tạo được bước đột phá lớn để phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi kinh tế sau Covid-19.

Qua kết quả Hội nghị, Ủy ban Đối ngoại ba nước đã thống nhất một số nhiệm vụ cần tập trung thời gian tới như: tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác và ứng phó với dịch bệnh Covid-19; nâng cao vai trò của Ủy ban Đối ngoại ba nước trong hoạt động ngoại giao vaccine, góp phần ứng phó với dịch bệnh Covid-19 cũng như tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính của các đối tác phát triển, các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực tư nhân tham gia đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong khu vực TGPT CLV.

- Xin cảm ơn ông!

Nhật An thực hiện