Xây dựng thương hiệu địa phương

- Chủ Nhật, 21/11/2021, 04:59 - Chia sẻ
Thời gian qua, nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Ðồng Nai đã được hình thành, giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng cây trồng và từng bước nâng cao thu nhập. Ðây cũng là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản đến với thị trường thế giới.

Kiểm soát chất lượng thông qua các tổ hợp tác

Trước đây, do hiệu quả kinh tế thấp, ông Nguyễn Quý Tuân (ấp 9, xã Gia Canh, huyện Ðịnh Quán) đã tính đến chuyện chặt bỏ 2ha cây ca cao của gia đình để chuyển sang trồng loại cây khác. Nhưng ông đã từ bỏ ý định này khi nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp và được Công ty TNHH ca cao Trọng Ðức ký hợp đồng thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Từ việc tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và nhận được hỗ trợ 30% chi phí mua cây giống, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, ông cùng nhiều hộ nông dân khác đã tập trung chăm sóc vườn ca cao.

Ðến nay, vườn ca cao trồng xen dưới tán điều cho năng suất 10 tấn/ha, với giá bán hơn 6.000 đồng/kg, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông. “Tính ra, tôi chỉ mua cây giống với giá gần 10 triệu đồng, đầu tư hệ thống tưới khoảng 20 triệu đồng cho toàn bộ vườn lúc ban đầu, nhưng lại thu hoạch trong nhiều năm. Về giá đã có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu trong suốt mùa vụ và cao hơn giá thị trường cho nên nông dân chúng tôi rất yên tâm sản xuất”, ông Tuân chia sẻ.

Cũng từ đây, Hợp tác xã (HTX) ca cao - điều Ðịnh Quán được thành lập nhằm đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ban đầu chỉ có vài hộ tham gia, nay đã tăng lên hàng chục hộ, với diện tích 80ha. Ngoài việc cam kết bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng thu mua ca cao của nông dân với giá 6.000 đồng/kg, khi giá thị trường tăng cao, Công ty TNHH ca cao Trọng Ðức sẽ tiếp tục tăng giá thu mua. Cùng với đó, công ty phối hợp chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao năng suất trong vùng dự án. Ðồng thời, tìm đối tác uy tín về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm đầu vào, cũng như cung cấp cây giống cho người trồng. Ðể nâng cao giá trị sản phẩm, doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị để tiến hành chế biến các sản phẩm từ ca cao. Ðến nay, sản phẩm làm từ ca cao đã xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga. Doanh nghiệp xác định, những năm tới sẽ đầu tư thêm các loại máy, chế biến thêm nhiều sản phẩm từ ca cao để xuất khẩu, hạn chế việc xuất khẩu ca cao thô để tăng giá trị sản phẩm.

Tại huyện Cẩm Mỹ, để chăm sóc vườn tiêu hơn 1ha, trước đây ông Nguyễn Văn Ðược (ấp 2, xã Lâm San), sử dụng nhiều phân hóa học nên cây tiêu dù phát triển tốt vẫn hay bị nhiễm bệnh, chất lượng hạt tiêu không đồng đều. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân đến mùa thu hoạch, thương lái mua tiêu với giá thấp. Kể từ năm 2015, khi tham gia tổ hợp tác sản xuất tiêu sạch ấp 2, được tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất hồ tiêu, ông đã thay đổi cách chăm sóc tiêu, trong đó chú trọng dùng phân hữu cơ, phân sinh học, áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp để phòng ngừa sâu bệnh. Vì thế, năng suất mỗi ha đạt hơn 4 tấn. Ông Ðược cho biết, “gia đình tôi tập trung sản xuất tiêu sạch, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, để cho hạt tiêu có chất lượng, bảo đảm an toàn sinh học. Khi tham gia tổ hợp tác, toàn bộ tiêu của gia đình được HTX nông nghiệp Lâm San mua để xuất khẩu với giá cao hơn thị trường”.

Giám đốc HTX nông nghiệp Lâm San Nguyễn Ngọc Luân chia sẻ, “mô hình sản xuất tiêu sạch xuất khẩu được hình thành vào năm 2013. Ban đầu, chỉ có vài chục hộ, đến nay toàn xã có 15 tổ hợp tác với hơn 800 hộ tham gia sản xuất tiêu sạch trên diện tích 1.000ha. Ðể giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu, nông dân được hướng dẫn quy trình chăm sóc, bón phân hữu cơ, phân vi sinh, sử dụng phân hóa học đúng lúc với liều lượng thích hợp. Tất cả sản phẩm của tổ hợp tác được HTX thu mua với giá cao hơn thị trường. Trung bình mỗi năm HTX đưa khoảng 300 tấn hồ tiêu vào thị trường châu Âu.

Nông dân thu hoạch cây hồ tiêu
Nguồn: ITN 

Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu địa phương

Xây dựng thương hiệu nông sản địa phương tại Đồng Nai được đánh giá hiệu quả cao bởi nó không phải là phong trào mà đi vào thực chất thông qua giải quyết các vấn đề cụ thể. Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2035 đã vượt xa mục tiêu đề ra về số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP nhưng đáng ghi nhận nhất vẫn là giúp gây dựng thương hiệu cho nhiều mặt hàng nông sản, hỗ trợ đưa đặc sản địa phương vào siêu thị và đẩy mạnh xuất khẩu.

Hiện 100% địa phương đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm; trong đó có 9/11 địa phương có 46 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá đạt từ 3 sao trở lên, đạt 283% mục tiêu đề ra. Ngay khi HTX có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm, đặc sản của địa phương sẽ được nhận diện, mở rộng kênh tiêu thụ vào các hệ thống siêu thị, thậm chí giúp sản phẩm tham gia tốt thị trường xuất khẩu.

Bà Hoàng Thị Kim Anh, Giám đốc Công ty TNHH Calm, người sáng lập HTX Nông nghiệp An Hòa Hưng (phường An Hòa, TP. Biên Hòa) cho biết, OCOP là chương trình hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, HTX tham gia. Điều quan trọng nhất là chương trình tổ chức rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ từ trực tiếp đến thương mại điện tử, đặc biệt là tiếp cận được nhiều kênh truyền thông, báo chí. “Điều này rất quan trọng với những HTX mới thành lập như chúng tôi vì chương trình OCOP được triển khai trên khắp các tỉnh, thành và nhờ chương trình này mà chỉ trong một thời gian ngắn, HTX mở được thêm nhiều đại lý tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành”, bà Kim Anh nói.

Kết quả 2 năm vừa qua có 14 doanh nghiệp, cơ sở, HTX được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị trong sản xuất và chế biến; 3 đơn vị được hỗ trợ trong đăng ký nhãn hiệu,  ghi nhãn hàng hóa; các đơn vị tham gia OCOP đều được hỗ trợ xây dựng website cũng như được tập huấn về công tác quản trị, duy trì hoạt động, cập nhật hình ảnh, thông tin sản phẩm lên website…

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, các giải pháp cần tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả cũng như các chủ trương, chính sách của Nhà nước với chương trình OCOP trong điều kiện sản xuất hàng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; nâng hạng cho sản phẩm OCOP; đưa sản phẩm OCOP thành hàng hóa có thương hiệu trên thị trường.

Thảo Tâm