Xây dựng TP Hồ Chí Minh xanh, thân thiện môi trường

- Chủ Nhật, 18/10/2020, 06:13 - Chia sẻ
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, để xây dựng thành phố xanh, thân thiện môi trường giai đoạn 2020 - 2025, bên cạnh việc chỉ đạo sâu sát, quyết liệt; chú trọng công tác truyền thông, vận động; cũng cần quy định rõ trách nhiệm của UBND quận, huyện đối với tình trạng phát sinh rác thải bừa bãi trên đường.

Nhiều chỉ tiêu môi trường tăng

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ, tuy còn nhiều hạn chế do dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 2 đến nay, nhưng việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19.10.2018 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về thực hiện Cuộc vận động Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước vẫn đạt được những kết quả tích cực.

Theo đó, so với kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị, đến nay, tỷ lệ thực hiện các chỉ tiêu về môi trường của thành phố đều tăng. Cụ thể, các địa phương rất quan tâm, duy trì thực hiện, cũng như chú trọng công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm phát động toàn dân chung tay phát huy những kết quả đã đạt được. Nhờ đó, đã gặt hái được kết quả tốt trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư; tạo chuyển biến về nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh về bảo vệ môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch, xả rác đúng nơi quy định.

“Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh môi trường được tổ chức thực hiện định kỳ, đột xuất, để chấn chỉnh và khắc phục những vấn đề ô nhiễm môi trường phát sinh. Hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng được bảo đảm kịp thời, không để xảy ra tình trạng tồn đọng chất thải trong ngày. Đặc biệt, thành phố đã có quyết định ban hành tiêu chí và quy định công nhận “phường - xã - thị trấn sạch”, “phường - xã - thị trấn sạch và xanh” và “phường - xã - thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường” - bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho hay.

Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong quý II.2020, một số hoạt động triển khai Chỉ thị số 19 của các quận, huyện và sở, ngành vẫn được triển khai nhưng công tác tuyên truyền của các quận, huyện còn hạn chế, chủ yếu tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố. Do đó, dù tình hình vệ sinh môi trường của thành phố có cải thiện, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện sâu rộng, đa dạng hình thức nhưng ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân chưa có chuyển biến tích cực.

Theo đó, một số tuyến đường, công trình công cộng, công trường xây dựng… còn tình trạng rác bừa bãi; một số ít người dân có nhà trên và ven kênh rạch vẫn còn thói quen xả rác trực tiếp xuống kênh rạch; chất thải rắn cồng kềnh chưa được thu gom triệt để; chưa thể thay đổi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy của người dân. Các địa phương cũng tập trung thực hiện để xóa các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải nhưng một số nơi vẫn còn tình trạng tái phát sinh rác, do chưa có biện pháp bảo quản hiệu quả.

Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hạ tầng kỹ thuật cho việc thu gom chất thải rắn chưa hoàn chỉnh, nhất là trong việc chuyển đổi phương tiện thu gom. Cùng với đó, công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường, nhất là ở khu dân cư, nơi công cộng còn nhiều bất cập, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật; việc phát hiện, xử phạt hành vi vi phạm vệ sinh môi trường cũng gặp nhiều khó khăn.

Tạo mảng xanh dọc tường rào tuyến hẻm 80 đường Bà Huyện Thanh Quan, Phường 9, Quận 3  

Nguồn: ITN 

Quy định rõ trách nhiệm

Bên cạnh việc tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, duy trì thực hiện các giải pháp của Chỉ thị số 19-CT/TU, gắn với thực hiện chủ đề năm 2020 là Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho hay, sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch xây dựng thành phố xanh - thân thiện môi trường giai đoạn 2020 - 2025; triển khai các giải pháp xây dựng cơ quan, công sở xanh, trường học xanh, bệnh viện xanh, công viên xanh, tôn tạo cây xanh và tạo các mảng xanh trên các tuyến đường…

Cũng theo ông Thắng, tuy không làm thay đổi phương thức thu gom rác phát sinh tại các hộ gia đình, song để việc thu gom rác thải được triển khai thuận lợi cũng như phù hợp với cộng nghệ xử lý và định hướng của thành phố, Sở sẽ đẩy mạnh việc hướng dẫn các quận, huyện triển khai phương thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thành 2 nhóm là chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải còn lại. Đồng thời, tăng trách nhiệm của quận, huyện trong công tác quản lý chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố; tổ chức nhiều hơn các buổi đối thoại với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về vấn đề vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, để giải quyết dứt điểm 27 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải còn lại, từ đó duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo và không để phát sinh điểm mới, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, bên cạnh sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt cũng cần quy định rõ trách nhiệm của UBND quận, huyện đối với tình trạng phát sinh rác thải bừa bãi trên đường. Ban hành chính sách để hỗ trợ chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành Hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Lê Chi