Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Kon Tum Khóa XII

Xây dựng vùng trọng điểm dược liệu quốc gia

- Thứ Năm, 30/12/2021, 06:19 - Chia sẻ
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Kon Tum Khóa XII mới đây, đã có 19 câu hỏi của 16 đại biểu chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh và 10 giám đốc các sở, ngành. Nhất là những chất vấn về phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh từng được nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ví như "Quốc bảo" (tại Hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác diễn ra ngày 6.9.2018 tại Kon Tum), bởi giá trị đặc biệt mà sâm Ngọc Linh mang lại.

Xây dựng vùng trọng điểm dược liệu Quốc gia

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Xuân Khánh (huyện Ia H'Drai) chất vấn Giám đốc Sở NN - PTNT Nguyễn Tấn Liêm về việc xây dựng kế hoạch và các giải pháp phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia có xuất phát từ khả năng về nguồn lực, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phong tục tập quán... của mỗi địa bàn để đến cuối năm 2025, Kon Tum có 4.500ha sâm Ngọc Linh, 10.000ha cây dược liệu khác như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở NN - PTNT cho biết nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển và chế biến dược liệu rất lớn, trong khi nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên các đơn vị, địa phương khó khăn trong phát triển dược liệu... Mặt khác, hơn 50% diện tích quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh nằm trong khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, trong khi Luật Lâm nghiệp năm 2017 không cho phép tác động vào rừng đặc dụng. Hiện nay, một số địa phương chưa có giải pháp hiệu quả để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ dược liệu, nhất là việc phát triển dược liệu dưới tán rừng tại vùng sâu, vùng xa. Công tác chuẩn bị giống sâm Ngọc Linh Kon Tum và cây dược liệu khác còn bị động, chưa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ cho người dân sản xuất.

Giải pháp trọng tâm, thiết thực, theo Giám đốc Sở NN - PTNT là tỉnh cần ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp; hỗ trợ và cung cấp đủ giống cây dược liệu; xây dựng các cơ sở chế biến, kết nối đầu ra cho sản phẩm; thu hút các nhà đầu tư trồng và chế biến dược liệu trên địa bàn; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ với người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác; mở rộng khu vực trồng sâm Ngọc Linh ngoài vùng có chỉ dẫn địa lý tại các huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông.

"Quốc bảo" cần được phát triển, bảo vệ nghiêm ngặt

Đại biểu Y Hương (huyện Tu Mơ Rông) không những trăn trở về việc trồng mà còn băn khoăn, lo lắng vấn đề giữ vững thương hiệu và giá trị của sâm Ngọc Linh Kon Tum. Bởi hiện nay, trên thị trường và trên mạng xã hội đã xuất hiện các loại Tam Thất người bán quảng cáo là sâm Ngọc Linh nhưng không rõ trồng ở đâu đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu, giá trị của sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn thẳng thắn cho rằng đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng việc bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao, vẫn còn xảy ra tình trạng kinh doanh, mua bán sâm Ngọc Linh không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, chất lượng... Khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã và đang triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, một trong những giải pháp căn cơ nhất để bảo vệ thương hiệu, phát hiện sâm giả, sâm kém chất lượng là đầu tư mua sắm hệ thống máy móc, thiết bị, dụng cụ, vật tư... để phân tích ADN sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác (tách chiết, nhân bản, kiểm tra, định lượng ADN) phục vụ giám định, kiểm định sâm Ngọc Linh thật và giả; phân tích hàm lượng Saponin và các hoạt chất sinh học khác trong sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác để đưa vào sử dụng ngay từ năm 2022.

Ngoài tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của cả hệ thống chính trị, tỉnh sẽ lập các chuyên án mai phục, kiểm tra, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ đối với việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, buôn bán sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc xuất xứ, sâm Ngọc Linh không bảo đảm chất lượng và xử lý hình sự theo quy định - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Mặc dù Chủ tịch UBND tỉnh đã cầu thị, thẳng thắn và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, nhưng đại biểu Y Hương tiếp tục đề UBND tỉnh cần có giải pháp đầu tư cho người dân, nhất là các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện để họ trồng và giữ vững thương hiệu sâm Ngọc Linh. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để không để tình trạng sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường. Đồng thời, triển khai các giải pháp xây dựng tỉnh Kon Tum thành vùng phát triển dược liệu trọng điểm của cả nước.

Bài và ảnh: Hải Hiển