Xê dịch chất xám trong lòng châu Âu

- Thứ Tư, 07/04/2021, 06:46 - Chia sẻ
Dường như đến lượt Tây Âu chảy máu chất xám khi mà những công việc cần tri thức đang hướng đến Đông Âu. Theo nhiều nhà quan sát, tình hình này có thể sẽ dẫn đến sự định hình lại việc làm tại châu Âu thời gian tới.
	Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Theo FP, các quốc gia châu Âu có thể đang tập trung vào cách giải quyết những tổn thương kinh tế tức thời do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng bên dưới bề mặt, những thay đổi thậm chí còn lớn hơn đang định hình lại sự phân bố việc làm tri thức ở châu lục.

Trung tâm Cải cách chính sách và doanh nhân châu Âu (ECEPR) kết hợp với công ty quản lý đầu tư hàng đầu của châu Âu Nordic Capital gần đây đã lập bản đồ chuyên sâu các địa điểm của việc làm tri thức ở châu Âu. Các chỉ số trong bản đồ này kiểm tra việc làm tại 4 ngành sử dụng nhiều tri thức như: Công nghệ, công nghệ thông tin - truyền thông, dịch vụ tiên tiến và các ngành nghề sáng tạo. Khi đo lường tỷ lệ dân số lao động ở 31 quốc gia châu Âu và 283 khu vực làm việc liên quan đến các “công việc trí óc” này, nghiên cứu phát hiện ra những thay đổi đáng kể trong phân bố địa lý của các ngành công nghiệp tri thức của châu Âu.

Trước đại dịch Covid-19, công việc cần nhiều chất xám phát triển khá ổn định ở châu Âu. Theo báo cáo của Nordic Capital - ECEPR, trung bình từ năm 2013 - 2019, mỗi năm 509.000 việc làm đòi hỏi trí óc được bổ sung vào nền kinh tế các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cộng với Vương quốc Anh, Thụy Sĩ, Na Uy và Iceland. Tuy nhiên, đến năm 2020, tổng số công việc này giảm lần đầu tiên kể từ khi nghiên cứu bắt đầu cách đây 5 năm, xuống gần 167.000. Ngoại lệ là khu vực Bắc Âu, nơi tạo thêm 8.600 công việc trí óc trong năm 2020, bất chấp sự hoành hành của đại dịch Covid-19. Lời giải thích khả dĩ cho hiện tượng này là các công ty Bắc Âu tiếp tục có khả năng tiếp cận tốt với nguồn vốn tăng trưởng.

Trong khi đó, báo cáo Nordic Captial - ECEPR cho biết, vị trí địa lý của các công việc cần chất xám đã thay đổi. Mặc dù tập trung cao nhất ở Thụy Sĩ, tiếp theo là Thụy Điển, Hà Lan, Luxembourg và Đan Mạch, nhưng ở nhiều nơi khác tốc độ tăng trưởng lại mạnh hơn. Kể từ năm 2014, Cộng hòa Síp đã tăng gần 50% số việc làm trí óc trên đầu người, trong khi Slovakia, Hungary, Ba Lan, Latvia, Bồ Đào Nha và Bulgaria tăng từ 1/3 trở lên. Ở Estonia, các loại công việc như vậy chỉ tăng dưới 1/3.

Ngược lại, Estonia và Hungary hiện có tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động làm việc tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều tri thức cao hơn so với một số quốc gia châu Âu giàu có hơn như Na Uy, Bỉ, Áo và Pháp. Trong khi đó, khu vực châu Âu có mức độ tập trung cao nhất của các công việc đòi hỏi chất xám là vùng thủ đô Bratislava của Slovakia, nơi 22% dân số trong độ tuổi lao động được tuyển dụng để làm những công việc cần kỹ năng và tri thức cao. Bratislava và các khu vực khác - Praha, Budapest, Warsaw và Bucharest - đang chứng kiến tốc độ phát triển nhanh chóng, với khoảng 923.000 việc làm liên quan đến trí óc - tương đương London (quy mô tương tự theo dân số trong độ tuổi lao động). Bratislava, Prague và Budapest có mức độ tập trung công việc loại này tính theo đầu người cao hơn London, trong khi Warsaw và Bucharest thấp hơn một chút.

Chi phí lao động thấp hơn và tỷ lệ đáng kể người trẻ đầu tư vào giáo dục đại học đã dẫn đến sự bùng nổ kinh doanh chất xám ở các quốc gia Trung và Đông Âu. Lĩnh vực trên đang ngày càng phát triển ở nhiều nước châu Âu, nơi kết hợp mức lương thấp hơn với thuế thấp hơn và nền kinh tế thị trường tự do. Một ví dụ là Estonia, chỉ có 1,3 triệu dân nhưng lại chiếm tỷ lệ tập trung cao thứ 10 trong số các công việc trí óc tính trên đầu người. Cách đây không lâu, Malta - nơi nền kinh tế chưa phát triển mấy nhưng sự thay đổi đối với các chính sách thị trường tự do đã giúp họ trở thành trung tâm cho các ngành như trò chơi trực tuyến và blockchain.

Sự phát triển như vậy ở các nước nhỏ như Estonia và Malta, đang định hình tương lai của châu Âu. Các quốc gia Tây Âu như Pháp và Bỉ vốn có nền công nghiệp tiên tiến trong nhiều thế kỷ nhưng đang tụt hậu có lẽ vì thuế cao và hệ thống quản lý quan liêu không khuyến khích sự “bước qua” các ngành công nghiệp cũ. Tốc độ tăng trưởng việc làm trí óc chậm chạp tại những nước đó không thể so sánh được với khu vực Bắc Âu, nơi có mức thuế cao nhưng cơ cấu cạnh tranh cởi mở hơn.

	Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Ngược lại, khu vực Đông và Trung Âu ngày càng trở thành một phần của guồng máy đổi mới của châu Âu. Ngày càng nhiều doanh nghiệp mới thành công ra đời ở Đông và Trung Âu hoặc hợp tác với các công ty ở đây. Trong khi đó, các công ty ở Bắc và Tây Âu có xu hướng phổ biến là thuê một phần công việc (outsource) ở các trung tâm tri thức tại Đông và Trung Âu để cắt giảm chi phí. Đây là bước khởi đầu của quá trình các nước Đông và Trung Âu vươn lên chiếm vị trí quan trọng hơn về kinh tế và chính trị.

Mặc dù vậy, châu Âu nhìn chung vẫn có khoảng cách so với Mỹ, thể hiện rõ ràng qua số tỷ phú lọt vào danh sách thường xuyên của Forbes. Năm 2020, số tỷ phú của xứ sở cờ hoa tăng từ 607 lên 614 tỷ phú, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ và các lĩnh vực cần nhiều kiến thức khác, trong khi Trung Quốc tăng vọt từ 324 lên 389 tỷ phú. Ngược với xu hướng này, 5 quốc gia hàng đầu châu Âu như Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Italy và Thụy Sĩ lại chứng kiến số tỷ phú giảm.

Tuy nhiên, tương lai kinh doanh và tăng trưởng của châu Âu có vẻ tươi sáng trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các nước EU ngày càng tăng. Với sự bùng nổ việc làm đòi hỏi trí óc về phía Đông, những quốc gia Tây Âu như Pháp và Bỉ sẽ phải nỗ lực để thu hút vốn đầu tư mạo hiểm, đồng nghĩa với việc nắm bắt các ngành công nghiệp mới. Và từ thời kỳ đầu của nền văn minh châu Âu cho đến thời kỳ Phục hưng và Cách mạng công nghiệp, chính sự cạnh tranh giữa các quốc gia láng giềng tìm cách thu hút đầu tư là công thức chiến thắng của châu Âu.

Ngọc Minh