Xe Limousine làm xáo trộn thị trường xe khách

- Thứ Hai, 19/04/2021, 10:47 - Chia sẻ
Dưới "danh xưng" limousine - các dòng phương tiện 16 chỗ hoán cải thành 9 chỗ, 24 chỗ thành 15 chỗ ngồi, các nhà xe ngang nhiên xe ra vào ngõ ngách nội đô đón trả khách. Thực trạng trên đã kéo dài gần chục năm nay, khiến giao thông của Hà Nội vốn đã căng thẳng lại càng thêm ngột ngạt. Và quan trọng hơn, xe limousine đang làm xáo trộn thị trường xe khách ở Thủ đô.

Có thể khẳng định limousine chính là xe khách. Không khó để nhận ra dọc các tuyến đường đấu nối với những bến xe trung tâm như Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm… đều có văn phòng đại diện của các doanh nghiệp với biển hiệu đề công khai nội dung nhà xe có xe đưa đón khách tại nhà khắp các quận trung tâm. Nhiều nhà xe từ 24, 35 chỗ chỗ trở lên, lâu nay tuân thủ nghiêm túc quy định của TP Hà Nội, tức là ra vào các bến xe, khá bức xúc với thực trạng không công bằng trên.

Một chiếc limousine vào sâu trong quận Thanh Xuân đón trả khách
Một chiếc limousine đón trả khách tại quận Thanh Xuân

Khảo sát của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, hiện trên địa bàn có gần 30 văn phòng đại diện các doanh nghiệp vận tải hành khách có liên quan đến hoạt động của các xe hợp đồng, xe limousine. Tuy nhiên, con số này chắc chắn vượt xa, vì cứ mỗi tỉnh có 3 - 4 nhà cạnh tranh nhau và nhân lên có lẽ con số phải lên đến hàng trăm. Hiện lưu lượng phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định tại các bến xe trọng điểm đều quá tải, thời gian lưu bến của các xe khách ngày càng ngắn. Cộng thêm tình trạng hành khách ngại vào bến mua vé khiến xe khách phải ra đường đón trả khách không đúng quy định gây phức tạp về trật tự ATGT.

Đơn cử như bên cạnh Bến xe Mỹ Đình, ngõ 2 đường Nguyễn Hoàng đã trở thành bến xe limousine bất đắc dĩ. Rất nhiều xe khách của các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hà Giang… núp bóng xe hợp đồng du lịch lượn lờ đón, trả khách không khác gì xe khách tuyến cố định. Được biết trong quý I.2021, riêng tại khu vực quanh Bến xe Mỹ Đình lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản xử lý hàng trăm trường hợp, phạt tiền và tạm giữ nhiều phương tiện nhưng tình hình vẫn không thuyên giảm. Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, để giải quyết dứt điểm tình trạng xe dù, bến cóc, lực lượng thanh tra sẽ phối hợp với UBND các quận liên quan thành lập đoàn liên ngành kiểm tra lại toàn bộ các văn phòng đại diện của các công ty vận tải trên địa bàn.

Thực tế, khó khăn lớn nhất hiện nay được nêu ra là nếu không "bắt tận tay" vi phạm, nhà xe sẽ không nhận lỗi. Hơn nữa, những xe này chủ yếu dưới dạng xe hợp đồng, nếu là xe tuyến, lực lượng sẽ xử lý ngay lỗi sai hành trình. Được biết chế tài xử phạt với hành vi bắt khách dọc đường của xe hợp đồng chỉ 1,5 triệu đồng, không đủ sức răn đe. Trong khi đó, cùng một vi phạm này, xe chạy tuyến cố định bị phạt nặng hơn rất nhiều, cụ thể là lái xe 2 triệu đồng, doanh nghiệp 7,5 triệu đồng, tước phù hiệu, tước GPLX 2 tháng.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Việt Long khẳng định, muốn giải quyết triệt để xe hợp đồng du lịch trá hình, phải đồng bộ triển khai nhiều giải pháp, trong đó không thể thiếu những cơ chế chính sách liên quan đến việc quản lý xe hợp đồng và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý mới có thể kiểm soát và xử lý kịp thời. Bộ Giao thông Vận tải cần đẩy nhanh hơn tiến độ sửa đổi Nghị định 86 về quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Như vậy mới có cơ chế chặt chẽ, rõ ràng hơn đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng để lực lượng chức năng có chế tài xử lý hiệu quả hơn.

Nam Anh