Sổ tay

Xe quá tải vẫn lộng hành

- Thứ Hai, 18/01/2021, 07:01 - Chia sẻ
Đánh giá về công tác kiểm soát xe quá tải năm 2020, Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, do lực lượng Thanh tra giao thông của các Sở Giao thông Vận tải chỉ được kiểm tra xe quá tải trên các quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương, nên tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại trên nhiều tuyến quốc lộ như Quốc lộ 1, Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6, Quốc lộ 10, Quốc lộ 14, Quốc lộ 37, Quốc lộ 279, đường Hồ Chí Minh; một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa...

Đáng quan tâm hơn, đã xuất hiện tình trạng sử dụng xe đầu kéo kéo theo sơmi rơ moóc (loại chở container 40 feet) lắp ben thủy lực (kiểu xe ben tự đổ) và thùng chở hàng (kiểu giả container 40 feet), dùng để chở quá tải hơn 200% (than, cát, đá...)  lưu thông trên đường bộ thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… Trong khi đó, việc kiểm tra và xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng chưa được duy trì thường xuyên; một số địa phương có cảng, mỏ vào cuộc chưa quyết liệt trong kiểm soát xếp hàng hóa lên xe và chưa kiên quyết xử lý chủ mỏ, chủ cảng vi phạm…

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ, năm 2020, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định, thanh tra các Sở Giao thông Vận tải, thanh tra các Cục Quản lý đường bộ đã sử dụng cân xách tay kiểm tra hơn 134.000 xe, trong đó có hơn 14.000 xe vi phạm, tước hơn 5.400 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hơn 160 tỷ đồng. Đặc biệt, sau 5 tháng đưa bộ cân tự động do JICA tài trợ được lắp đặt trên Quốc lộ 5, TP Hải Phòng, vào hoạt động, số xe vi phạm mức bị xử phạt đã giảm hơn 49 lần (từ 6,9% của 7 tháng đầu năm 2020 xuống còn 0,14%). Số xe vi phạm theo ngày giảm bình quân hơn 42 lần, từ 176 xe/ngày xuống 4,1 xe/ngày.

Tổng cục Đường bộ cho biết, năm 2021 tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 32/2016 của Thủ tướng về kiểm soát xe quá tải; đặc biệt Tổng cục sẽ lập và triển khai đề án kiểm soát tải trọng bằng hệ thống cân tự động đối với phương tiện giao thông đường bộ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông chủ động kiểm tra, thanh tra đột xuất trên các đoạn đường có nhiều xe quá tải lưu thông, tại các đầu nguồn hàng, khu vực cảng, bến, mỏ vật liệu, công trình, dự án lớn; đặc biệt là việc san tải trước khi vào cảng, dồn tải sau khi ra khỏi cảng, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành xe.

Hiện chế tài xử lý xe quá tải khá nghiêm khắc. Chẳng hạn, quy định phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%... Bên cạnh đó, khi xe vượt quá tải trọng cho phép thì không chỉ người điều khiển xe mà cả chủ xe cũng sẽ bị xử phạt... Tuy nhiên, thực tế công tác xử lý xe quá trọng tải cho thấy, tình trạng này không giảm.

Nhiều ý kiến cho rằng, để góp phần hạn chế xe quá trọng tải thì kế hoạch kiểm tra tải trong xe phải áp dụng một cách đồng bộ, thực hiện liên tục và lâu dài trên phạm vi cả nước để bảo đảm sự bình đẳng cho các doanh nghiệp vận tải. Không nên kiểm tra theo đợt, theo phong trào; cần làm luân phiên ở các tỉnh, thành phố trọng điểm có lượng xe quá tải lớn. Bởi nếu làm theo phong trào sẽ dẫn đến tâm lý đối phó và “nhờn luật” trong giới lái xe và doanh nghiệp vận tải. 

Phạm Hải