ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Xem xét tỉ trọng cân đối với kết dư của quỹ bảo hiểm

- Thứ Tư, 27/10/2021, 21:18 - Chia sẻ
Qua số liệu, thông tin từ các báo cáo và phản ánh của cử tri về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện chính sách liên quan đến Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, có biện pháp chỉ đạo, lãnh đạo công tác quản lý thực hiện chính sách liên quan đến Quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp và Quỹ bảo hiểm y tế trong thời gian tới.
ĐBQH Huỳnh Thi Phúc phát biểu thảo luận
ĐBQH Huỳnh Thị Phúc phát biểu thảo luận

Dẫn chứng từ số liệu thể hiện qua các báo cáo trình tại Kỳ họp đối với tình hình nợ đọng BHXH đến nay là khá lớn (tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2019 và số dư nợ chậm đóng có thể tiếp tục dự báo sẽ tăng tiếp trong năm 2021), đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng: Tình hình này đã làm phát sinh hệ quả pháp lý, không chỉ tác động lớn đến kết quả quản lý, triển khai thực hiện chính sách liên quan mà còn ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của các đối tượng có liên quan trực tiếp là người lao động. Vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng có kế hoạch phối hợp chặt chẽ, giải pháp cụ thể để xử lý tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội như thời gian qua, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng kéo dài. 

Về tình hình chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, báo cáo Chính phủ nhận định vẫn còn tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ để lạm dụng, trục lợi các loại quỹ có liên quan. Trong khi người lao động chân chính thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách lại gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các quy trình, thủ tục. Bà Phúc đề nghị, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng phải tiếp tục tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tình trạng lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ như đã nêu trên. 

Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Quỹ bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và thất nghiệp chưa được thực hiện hết các chế độ quy định, trong khi số liệu tồn quỹ của quỹ này còn khá lớn. Do vậy cần xem xét quy định tỷ trọng theo hướng cân đối với kết dư của Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dành cho hoạt động chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Về mức chi hỗ trợ đối với các đối tượng hưởng trợ cấp từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện nay, theo quy định tại Thông tư 26 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là chưa phù hợp thực tế điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét có điều chỉnh mức chi hỗ trợ theo hướng đóng nhiều hưởng nhiều hoặc nếu vẫn hưởng một mức như hiện nay thì phải điều chỉnh theo hướng tăng. 

Từ thực trạng những vướng mắc qua việc giao cho công đoàn thực hiện Điều 14 của Luật Bảo hiểm xã hội về việc khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH đã gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, tập thể người lao động. Bà Phúc cho rằng các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét điều chỉnh nội dung này nhằm đảm bảo hiệu quả trong công tác giải quyết, giảm những vướng mắc, hạn chế như thực trạng đang xảy ra. 

Đối với các giải pháp phát triển số lượng và tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, đại biểu Huỳnh Thị Phúc kiến nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng xem xét về giải pháp cân đối giữa phát triển số lượng người dân tham gia BHYT phải gắn liền với việc các cơ quan chức năng phải quan tâm đến chất lượng khám chữa bệnh, dịch vụ y tế và đặc biệt là cần xem xét mở rộng danh mục, cũng như chất lượng thuốc điều trị ở y tế tuyến cơ sở nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng người khám chữa bệnh vượt tuyến không cần thiết; thực hiện tốt các giải pháp, yêu cầu cơ bản như nêu trên là góp phần tạo niềm tin của nhân dân vào chính sách BHYT, thu hút nhiều người dân tham gia BHYT góp phần tăng số lượng tham gia BHYTvà tăng tỉ lệ bao phủ BHYT, tiến tới BHYT toàn dân như chủ trương của Đảng đã đề ra.

Nhật Trường