Hiến kế phòng, chống dịch Covid-19 cho Hà Nội:

Xét nghiệm cho người có triệu chứng đặc biệt

- Thứ Tư, 01/09/2021, 20:13 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp góp phần phòng, chống dịch hiệu quả; trong đó khuyến nghị thành phố nên xét nghiệm cho người có triệu chứng đặc biệt, xác xuất dương tính cao hơn.
Người dân tại phường Bạch Mai chờ lấy mẫu xét nghiệm. Nguồn TTXVN
Người dân tại phường Bạch Mai chờ lấy mẫu xét nghiệm

Nguồn: TTXVN 

Đối mặt 2 nguy cơ lớn

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 1.9, toàn thành phố ghi nhận 59 ca mắc SAR-CoV-2 mới, trong đó chỉ có 01 ca tại cộng đồng. Như vậy, cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch lần này (từ ngày 29.4 đến nay), toàn thành phố ghi nhận 3327 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1548 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1779 ca.

Hiện, thành phố đang triển khai đợt cao điểm thứ 3 lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng (từ ngày 30.8 – 4.9), với khoảng 200.000 mẫu được lấy từ các khu vực tiếp giáp các ổ dịch phức tạp, các khu tập thể cũ đông người, các đối tượng nguy cơ cao... Trên cơ sở đợt lấy mẫu này, thành phố sẽ có căn cứ rõ ràng hơn để đánh giá nguy cơ tại các địa bàn trọng điểm của thành phố, đồng thời cân nhắc có tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sau ngày 6.9.

Theo các chuyên gia của Hội Nữ trí thức Hà Nội và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) - trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), trong bối cảnh thiếu nguồn vaccine dẫn đến chậm đạt được miễn dịch cộng đồng do vẫn có độ trễ về tác dụng và hiệu quả, trong khi virus có nguy cơ xuất hiện các biến chủng, chiến lược phòng ngừa mới của thành phố cần tập trung vào phòng ngừa và đối phó với hai nguy cơ lớn. Đó là khó khăn về đời sống của người dân do giãn cách lâu ngày, mất việc làm vì sản xuất bị đứt gãy. Bên cạnh đó là nguy cơ suy yếu và không đáp ứng kịp thời của hệ thống y tế nếu số ca mắc vẫn không ngừng gia tăng.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, biện pháp chiến lược là thành phố cần xoay quanh hai khâu quan trọng nhất, bao gồm: Ổn định đời sống của người dân ở mức cơ bản thông qua duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội ở mức độ nhất định; đồng thời giữ vững, củng cố và tăng cường hệ thống y tế đang thiếu thốn, căng thẳng và bắt đầu quá tải do phải dồn sức chống dịch trong thời gian kéo dài.

Việc chuyển chiến lược sang “xây dựng các tổ dân phố thành pháo đài phòng và chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch” là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời. Để chiến lược này có hiệu quả, thành phố cần bảo đảm việc thực hiện nhất quán, hiệu quả từ trên xuống dưới và phát huy sức mạnh tại chỗ của cộng đồng.

Quận Thanh Xuân đã chủ động đưa 600 người dân tại phường Thanh Xuân Trung đi chữa bệnh hoặc cách ly y tế.  Nguồn TTXVN
Quận Thanh Xuân đã chủ động đưa 600 người dân tại phường Thanh Xuân Trung đi chữa bệnh hoặc cách ly y tế

Nguồn: TTXVN 

Đẩy mạnh tuyên truyền

Về công tác xét nghiệm tầm soát, bóc tách F0, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho biết, trên cơ sở tổng hợp kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới, có 4 biện pháp cơ bản giúp phát hiện sớm ổ dịch trong cộng đồng. Phương pháp 1 là test toàn dân. Phương pháp 2 là test nhanh thuận tiện như các nước, chẳng hạn đang lái xe trên đường cũng có thể vào test. Phương pháp 3 là test cho người có triệu chứng hoặc bất kể ai có than phiền. Phương pháp 4 là test cho người có triệu chứng đặc biệt hơn, xác suất test dương tính cao hơn.

Cũng theo bà An, ở các nước giàu, họ có thể chọn cả 4 biện pháp. Việt Nam đã chọn biện pháp 1 cho TP. Hồ Chí Minh và vài nơi rải rác khi có ổ dịch. Nhưng biện pháp này tốn kém nên không thể duy trì mỗi tuần. Việt Nam cũng đã tiến hành biện pháp thứ 2 ngẫu nhiên cho hộ gia đình (random), cũng không thể đạt hiệu quả bao phủ toàn dân và lâu dài được. Điểm chung của các quốc gia là họ dùng phương pháp 3, đôi lúc thực hiện biện pháp 1 và 2 để nghiên cứu đánh giá toàn quốc. Chỉ có Nhật Bản dùng phương pháp số 4, vì đặc hiệu hơn, nên đây là quốc gia có tỷ lệ hiệu quả cao nhất thế giới (số ca dương tính/số test PCR).

“Vấn đề đặt ra hiện nay là Hà Nội bắt buộc phải chọn thêm một trong hai biện pháp là phương pháp 3 hay phương pháp 4. Nếu chọn phương pháp 3 có thể hiệu quả hơn về phát hiện dịch nhưng chắc chắn tốn kém hơn rất nhiều. Từ kinh nghiệm thành công của Nhật Bản, chúng tôi đề nghị chọn biện pháp số 4”, bà An đề xuất.

Lý giải cho điều này, đại diện Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng, Nhật Bản đã vượt qua 3 đợt sóng, với đợt sóng lần trước cao hơn 8000 ca/ngày khi chưa có vaccine. Bên cạnh đó, các biện pháp tối cần thiết và hiệu quả cao của Nhật đều có mức độ yếu hơn Việt Nam, điển hình như truy vết của Nhật chỉ tới F1; giãn cách của Nhật cao nhất chỉ ở cấp tỉnh (đóng cửa siêu thị cao cấp, kêu gọi hạn chế ra đường, giảm các chuyến bay…, còn siêu thị bình thường chỉ đóng cửa sớm hơn 8 giờ tối, trường học cấp 1 - 3 vẫn mở cửa), trong khi Việt Nam yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó”. Thêm nữa, Việt Nam triển khai cách ly tập trung nhiều hơn Nhật Bản.

“Khi thực hiện phương pháp 4, Hà Nội có thể tầm soát và kiểm soát được để bảo đảm khả năng chăm sóc cho người bệnh nặng”, PGS. TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, lỗ hổng lớn hiện nay là tại các khu dân cư, nhiều người dân (nhất là người dân lao động tự do) chưa nắm được thông tin, kiến thức cơ bản, cần thiết, kịp thời về nguy cơ dịch bệnh, về các hành động, ứng xử cần làm khi xảy ra các tình huống. Do đó, cần đẩy mạnh truyền thông, đưa tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch cũng như phổ biến kiến thức phòng, chống dịch cho người dân. Xây dựng đường dây nóng 24/7 để người dân dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp về nhu yếu phẩm, y tế…

Mặt khác, thành phố cần phát huy sức mạnh của cộng đồng, giới trí thức trong phòng, chống dịch bệnh, như: Tổ chức các cuộc họp trực tuyến/trực tiếp với tổ chức khoa học công nghệ, hội nghề nghiệp, chuyên gia có chuyên môn, kinh nghiệm để thảo luận về các giải pháp, giao nhiệm vụ và điều phối huy động sự tham gia của họ; thảo luận với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn về các biện pháp vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động kinh tế - thương mại…

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Minh Châu