Gỡ khó vận tải hàng hóa trong dịch bệnh

Xét nghiệm không phải là giải pháp trên hết!

- Thứ Hai, 26/07/2021, 20:51 - Chia sẻ
Sự không thống nhất khi áp dụng biện pháp phòng chống dịch giữa các tỉnh, như hình thức xét nghiệm và thời hạn hiệu lực khác nhau, đang làm khó vận tải hàng hóa. PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo, để thực hiện mục tiêu kép không có phương án nào là hoàn hảo, xét nghiệm chỉ là một giải pháp chứ không phải trên hết.

“Chúng tôi đang kiệt quệ!”

Ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam xác nhận như vậy tại Tọa đàm trực tuyến “Tháo gỡ đình trệ vận tải hàng hóa do Covid-19” do Báo Giao thông tổ chức hôm 26.7.

Ông Nghĩa lý giải, sau hơn một năm chịu tác động của dịch, hầu hết doanh nghiệp vận tải bị suy giảm doanh thu trong khi chi phí lại tăng. Công ty có 150 lái xe sẽ phải chi trả hơn 300 triệu đồng/tháng phí xét nghiệm các loại.

Cần xây dựng quy trình vận chuyển hàng hóa bài bản.
Nguồn ITN

Tuy vậy, điều ông Nghĩa cảm thấy bức xúc là dường như “không có cơ quan nào đứng ra lĩnh xướng công tác phòng dịch dẫn đến khó khăn ở khắp mọi nơi cho doanh nghiệp”. Chẳng hạn, tại Quảng Ninh, khi bắt đầu vào tỉnh, các chốt yêu cầu tài xế phải test Covid-19 song đến cửa khẩu phải làm tiếp lần hai. Hay cùng trên Quốc lộ 1A, khi TP. Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thì hàng hóa vẫn lưu thông bình thường trong khi Hà Nội lại đóng cửa phong tỏa!

Bên cạnh đó, việc các địa phương ban hành quy định chống dịch có hiệu lực gần như ngay lập tức khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, gây ách tắc. Minh chứng là ngày 18 - 20.7, TP. Hải Phòng yêu cầu xe vào phải dán tem và xét nghiệm cho tài xế, nhiều doanh nghiệp chưa cập nhật thông tin khiến ách tắc kéo dài. “Theo ước tính của chúng tôi, mỗi ngày ách tắc thiệt hại ít nhất 100 tỷ đồng”, ông Nghĩa thông tin.

Chia sẻ khó khăn của các doanh nghiệp vận tải, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ xác nhận, qua kiểm tra của 4 đoàn công tác tại các địa phương, các tuyến quốc lộ, cao tốc cho thấy có tình trạng quy định khác nhau về giấy xét nghiệm và thời hạn xét nghiệm đối với lái xe giữa các địa phương. Hoặc, một số nơi chỉ công nhận xét nghiệm PCR trong khi địa phương khác cho phép cả xét nghiệm nhanh. “Chúng tôi đã trao đổi và thống nhất giải pháp về các vấn đề trên để vận tải hàng hóa lưu thông tốt nhất trong mùa dịch”, bà Hiền nói.

Xây dựng quy trình vận chuyển bài bản

Nhìn vào cách chống dịch của các địa phương hiện nay, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng “có một số địa phương áp dụng quá máy móc”. “Khi thực hiện mục tiêu kép, chúng ta phải hiểu không có gì hoàn hảo, cái gì cũng có rủi ro. Làm tốt mục tiêu kép, phát triển kinh tế thì phải đặt chống dịch xuống thấp hơn một chút và phải chịu rủi ro. Nếu đặt chống dịch lên trên hết thì kinh tế sẽ bị ảnh hưởng”, ông Phu nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia này, xét nghiệm chỉ là một giải pháp chứ không phải trên hết. Khuyến cáo của Bộ Y tế về thời hạn hiệu lực giấy xét nghiệm trong 72 giờ chỉ là tương đối. Xét nghiệm cho kết quả âm tính căn bản chỉ đánh giá tại thời điểm được lấy mẫu xét nghiệm, người được xét nghiệm không bị nhiễm SAR-CoV-2. Do đó, nếu mới mắc 1 - 2 ngày thì kết quả chưa chắc đã chính xác. Bên cạnh đó, không phải xét nghiệm nào cũng đạt được kết quả mỹ mãn. Chẳng hạn, xét nghiệm nhanh chỉ cho kết quả khi người xét nghiệm mắc sau 2 - 5 ngày, còn từ 6 - 14 ngày có thể chưa chuẩn. Xét nghiệm PCR cho kết quả chính xác nhưng lại mất thời gian lâu. Ngay cả khi xét nghiệm PCR âm tính nhưng lái xe chủ quan vẫn có thể trở thành nguồn lây bệnh.

Vì vậy, theo ông Phu, tùy từng địa phương và tùy giai đoạn mà áp dụng cách chống dịch khác nhau. Nếu áp dụng kết quả xét nghiệm nhanh đồng nghĩa chấp nhận rủi ro hơn PCR nhưng sẽ mất ít thời gian hơn, đỡ gây ách tắc. Các địa phương cũng nên áp dụng đồng bộ thời hạn hiệu lực giấy xét nghiệm trong 72 giờ và không nên yêu cầu 3 ngày phải xét nghiệm một lần bởi không cần thiết, gây tốn kém. “Việc phòng bệnh của lái xe là điều quan trọng nhất”, ông Phu khuyến cáo, đồng thời đề nghị cần ưu tiên xây dựng quy trình vận chuyển hàng hóa một cách bài bản, tránh việc chúng ta có chút kinh nghiệm rồi lại ra quyết định mới.

Bộ Giao thông Vận tải đang áp dụng “luồng xanh” tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa. Bà Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh, “luồng xanh” ưu tiên cho xe qua nhưng không có nghĩa buông lỏng phòng chống dịch. Do đó, các doanh nghiệp vận tải phải kiểm tra, kiểm soát, nắm chắc hành trình di chuyển của lái xe và xử lý nghiêm nếu lái xe vi phạm; đồng thời phải có kế hoạch trước và phương án cụ thể. Chẳng hạn, với vùng dịch phức tạp, doanh nghiệp có thể đổi lái xe. Về phía lái xe cũng cần thực hiện nghiêm trước, trong và sau chuyến đi phải hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan dịch bệnh.

Đặc biệt, việc tiêm vaccine cho tài xế rất quan trọng. Cả nước hiện có khoảng 2,5 triệu lái xe vận tải. “Ngành y tế và các địa phương ưu tiên tiêm vaccine sớm để bảo đảm an toàn cho người lái xe. Phương án cấp thẻ nhận diện luồng xanh đã thống nhất và có cách thức chung, các địa phương cần triển khai thực hiện”, bà Phan Thị Thu Hiền nói.

Đan Thanh