Xử lý dứt điểm các "điểm nghẽn" trong đầu tư công

- Thứ Hai, 13/12/2021, 06:15 - Chia sẻ
Để thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều đại biểu cho rằng, chính quyền thành phố cần nỗ lực hơn nữa trong công tác giải ngân đầu tư công trung hạn. Bởi đây là giải pháp căn cơ, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn tình hình ở thời điểm hiện tại.
Thảo luận tổ, vấn đề giải ngân ngân đầu tư công được nhiều đại biểu quan tâm, đề ra giải pháp để phục hồi kinh tế
Ảnh: P.Long

Tỷ lệ giải ngân chưa đạt kế hoạch 

Thảo luận tại kỳ họp, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố Đỗ Anh Tuấn đánh giá, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng tỷ lệ giải ngân đầu tư công của thành phố vẫn chưa đạt kế hoạch trong những tháng đầu năm 2021. Trong đó, tỷ lệ giải ngân giữa các quận, huyện không đồng đều. Nguyên nhân khách quan do cơ chế chính sách đang cập nhật, thay đổi theo Luật Đầu tư công. Về mặt chủ quan, do công tác chỉ đạo, điều hành của một số địa phương chưa quyết liệt. "Để hoàn thành mục tiêu năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 84,3% trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp thì cần sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành về lĩnh vực này", ông Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Còn Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà cho biết: Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, quận Bắc Từ Liêm cần 11.200 tỷ đồng cho đầu tư công nhưng tỷ lệ phần trăm từ sau đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn chỉ được hưởng 35% là quá thấp, sẽ không đủ nguồn lực phục vụ công tác đầu tư công. "Thành phố cần xem xét, nâng tỷ lệ điều tiết khả thi trong lĩnh vực đầu tư công là 65% cho quận. Riêng đối với 5 huyện chuẩn bị thành quận, đề nghị thành phố phân cấp mạnh, điều tiết 100% tiền đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn các huyện đó để đầu tư hạ tầng khung, hoàn thành tiêu chí lên quận", Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm đưa ra giải pháp.

Riêng Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân đề xuất các thủ tục đầu tư cần được cải tiến trong các bước để rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm chi phí, có như vậy mới thúc đẩy nhanh kế hoạch giải ngân đầu tư công trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, có một số ý kiến cho rằng việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách là hết sức cần thiết, cần được thành phố quan tâm, đặt ra những giải pháp đột phá.

Gắn tiến độ giải ngân với trách nhiệm người đứng đầu

Theo thống kê, tính đến cuối tháng 11.2021, tỷ lệ giải ngân chung toàn thành phố mới đạt trên 50% kế hoạch Chính phủ giao. Hiện, thành phố đang phấn đấu để thúc đẩy tỷ lệ giải ngân đạt 84,3% kế hoạch thành phố và bằng 93,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, nhiều đại biểu đánh giá một số thủ tục hành chính hiện nay còn bất cập, chậm trong giải phóng mặt bằng hay một phần trách nhiệm của các sở, ngành, quận, huyện.

Để hoàn thành các mục tiêu, nhất là tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2022 ở mức cao nhất, HĐND thành phố đề nghị, cần có sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là các quận, huyện, thị xã trong chỉ đạo, điều hành về lĩnh vực này. Mặt khác, Hà Nội sẽ gắn tiến độ thực hiện, giải ngân và hiệu quả dự án với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ và coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm. Ngoài ra, thông qua các giải pháp được nêu tại kỳ họp như: Rà soát, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về cơ chế chính sách trong đầu tư công; giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng, giao đất cho các dự án phát triển đô thị… cũng sẽ là các giải pháp khơi thông nguồn vốn lớn để đầu tư, phục hồi kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Cụ thể hóa những nhiệm vụ trên, một tổ công tác đặc biệt của UBND thành phố đã được thành lập để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các "điểm nghẽn" trong giải ngân vốn đầu tư công. Cử tri và Nhân dân thành phố kỳ vọng với những giải pháp căn cơ, cụ thể nêu trên, Hà Nội sẽ xử lý được tận gốc những "điểm nghẽn" trong đầu tư công; đưa kinh tế Thủ đô phát triển mạnh mẽ trở lại, xứng đáng với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế của đất nước.

Nguyên Khôi