Văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn

Xử lý không đơn giản

- Thứ Tư, 16/09/2020, 06:25 - Chia sẻ
Báo cáo số 410/BC -CP ngày 7.9.2020 của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước vừa được Ủy ban Pháp luật thẩm tra cho thấy, tính đến ngày 31.8.2020, Tổ công tác về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã tiếp nhận hơn 100 văn bản phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

8.779 văn bản thuộc 10 lĩnh vực được rà soát

Theo Báo cáo, tổng số văn bản đã được các bộ, cơ quan ngang bộ, nhóm rà soát của Tổ công tác rà soát là 8.779 văn bản, bao gồm: 249 bộ luật, luật; 43 nghị quyết của Quốc hội; 44 pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ quốc hội; 1.163 nghị định của Chính phủ; 866 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6.414 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành là lĩnh vực được rà soát.
Nguồn: ITN

Kết quả tổng hợp những phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, nhiều vướng mắc, bất cập xuất phát từ việc hiểu không đúng, không nắm vững nguyên tắc áp dụng pháp luật dẫn đến lúng túng, thậm chí áp dụng sai pháp luật.

Nội dung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn tập trung vào 10 lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh như sau: Quy định về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp; Quy định về phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư; Quy định về tài chính; thuế; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Quy định về đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó là: Quy định pháp luật về lao động, việc làm và an sinh xã hội; Quy định về hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh trong kinh doanh, phá sản doanh nghiệp; Quy định về kiểm tra chuyên ngành; Quy định về bổ trợ tư pháp và tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; Quy định pháp luật bảo đảm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; Quy định về phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý nhà nước về kinh tế. 

Kết quả rà soát cho thấy, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất.

Trong khi đó, việc gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả, chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời nhu cầu thực tiễn; việc triển khai thực hiện một số chế định pháp luật còn thiếu đồng bộ, nhất là xử lý vi phạm chưa kịp thời và đủ nghiêm khắc. Cơ chế bảo đảm cho người dân giám sát thi hành pháp luật còn chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Một số trường hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa chú trọng đúng mức đến đánh giá tác động và các điều kiện bảo đảm thi hành, dẫn đến khó đi vào cuộc sống. Việc tổng kết thực tiễn thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong một số trường hợp chưa được tiến hành kịp thời, hiệu quả.

Chậm vì liên quan nhiều ngành, nhiều khâu

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp Đồng Ngọc Ba cho biết, Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị 25 nội dung được cho là có chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng trong pháp luật về đầu tư kinh doanh. Qua rà soát của Tổ công tác cho thấy, 16/25 nội dung được nêu là có cơ sở hoặc đúng một phần, 9/25 nội dung chưa chính xác.

Theo Cục trưởng Đồng Ngọc Ba, nhiều nội dung trong các kiến nghị của VCCI đã được Bộ Tư pháp chủ động rà soát, phát hiện trước đó, thể hiện trong các báo cáo rà soát gửi Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan thực hiện các giải pháp để hoàn thiện pháp luật. Đến nay, 12/16 nội dung đã được xử lý tại Luật Đầu tư năm 2020 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020; 4 nội dung khác đang được các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất xử lý trong quá trình xây dựng dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và một số Nghị định của Chính phủ.

Điều này phần nào cho thấy, khối lượng công việc khá đồ sộ mà các thành viên Tổ công tác phải thực hiện để có thể xây dựng Báo cáo. Thực tế, công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được các bộ, ngành thực hiện thường xuyên khi ban hành, sửa đổi, bổ sung bất kỳ một văn bản nào. Lần rà soát này tuy chưa phải là một cuộc tổng rà soát song mức độ tác động, quy mô văn bản quy phạm pháp luật được rà soát là rất lớn (8.779 văn bản). Chính vì đó, kết quả cũng như các kiến nghị sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các bộ, ngành liên quan cũng như Quốc hội trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Một trong những kiến nghị của Dự thảo Báo cáo là khẩn trương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật theo các phương án đã được nêu tại Báo cáo và các Phụ lục để xử lý kịp thời các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển thì việc thống nhất xử lý văn bản nào thì không đơn giản, từ việc xây dựng chương trình, đưa ra Quốc hội để thống nhất được sửa đổi, bổ sung văn bản nào. Báo cáo để thấy được thực trạng, còn việc xử lý thế nào thì Quốc hội sẽ quyết định. Hơn nữa, thực tiễn cho thấy, quá trình xử lý sự chồng chéo, bất cập rất chậm vì liên quan đến nhiều ngành, nhiều khâu.

Đồng tình với ý kiến của ông Hiển, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, để có thể thuyết phục được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo cần bổ sung thêm các ví dụ điển hình, nhất là những bất cập, khó triển khai ở các luật vừa mới ban hành như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp... đã phát hiện bất cập.

Phạm Hải