Xử lý nghiêm đối tượng hành hạ trẻ em

- Thứ Bảy, 01/01/2022, 21:38 - Chia sẻ
Ngày 31.12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh đã bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Kim Trung Thái (36 tuổi, ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh) là cha đẻ của bé N.T.V.A (8 tuổi) ngụ tại chung cư Sài Gòn Pearl bị hành hạ đến tử vong mới đây, để điều tra về hành vi hành hạ, ngược đãi con theo điều 185 Bộ luật Hình sự.

Không khoan nhượng đối với bạo lực trẻ em

Theo điều tra ban đầu, Thái thừa nhận đã nhiều lần chứng kiến con gái mình bị Nguyễn Võ Quỳnh Trang (người phụ nữ sống chung như vợ chồng với Thái) dùng roi, cây đánh. Có lần Thái cũng cầm cây và đánh con gái. Tuy nhiên Thái cho biết không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra nên vẫn để Trang dạy con gái mình thời gian qua. 

Liên quan đến cái chết của bé gái N.T.V.A, ngày 28.12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về tội hành hạ người khác.

Chúng ta không thể tin nổi một đứa trẻ 8 tuổi bị bạo hành đến chết. Đáng nói là, đối tượng bạo hành em lại chính là bố đẻ và bạn gái của bố, sống chung nhà với bé. Tội ác mà các đối tượng gây ra đối với bé không thể dung thứ!

Từ vụ bạo hành trẻ em này, bà Rana Flowers - Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam cho rằng, phần lớn các vụ xâm hại trẻ em đều do những người mà các em quen biết và tin tưởng gây ra. Đáng tiếc là, các vụ việc thường chìm trong im lặng và đơn độc.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam cho rằng, vụ việc ngay từ đầu chỉ cần một cuộc điện thoại kịp thời tới cơ quan chức năng thì có thể đã không xảy ra hậu quả đáng tiếc này.

Đối tượng Võ Nguyễn Quỳnh Trang. Ảnh: CTV
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) vừa khởi tố, bắt tạm giam Võ Nguyễn Quỳnh Trang về tội hành hạ người khác - người đã hành hạ bé N.T.V.A. (8 tuổi) tại căn hộ ở chung cư Sài Gòn Pearl (quận Bình Thạnh) khiến nạn nhân tử vong ngày 22.12 vừa qua

Trước thực tế này, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có một hệ thống bảo vệ trẻ em mạnh mẽ hơn. Đó là một hệ thống với các nhân viên công tác xã hội được đào tạo, cần có các nhân viên chuyên nghiệp có trình độ, những người có thể xác định, can thiệp, đáp ứng với nhu cầu và bảo vệ trẻ em. Trên cơ sở vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em, cần có một hệ thống với lực lượng công an được đào tạo, với các thẩm phán và tòa án thân thiện với trẻ em, cần có thái độ không khoan nhượng đối với bạo lực.

“Không khoan nhượng có nghĩa là những người hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hoặc nghe tiếng kêu khóc sẽ ngay lập tức báo chính quyền và yêu cầu công an phải hành động để bảo vệ nạn nhân; có nghĩa là công an sẽ phải chịu trách nhiệm và có những hành động kịp thời; các nhân viên y tế và giáo viên khi nhận ra các dấu hiệu về bạo lực sẽ báo cáo ngay” - Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm các hành vi bao che, chậm trễ, không xử lý các vụ xâm hại trẻ

Đây chỉ là một trong những vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra trong thời gian qua. Trước tình trạng trẻ em bị xâm hại, Quốc hội Khóa XIV đã có giám sát tối cao về vấn đề này. Nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em đã được chỉ ra trong quá trình Quốc hội giám sát. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về vấn đề này. Tiếc rằng, thời gian qua vẫn xảy ra trường hợp trẻ bị bạo hành. Câu hỏi đặt ra, liệu các chính sách pháp luật của chúng ta chưa đủ răn đe hay do các chủ thể liên quan thực thi pháp luật chưa nghiêm?

Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong: Ban quản lý chung cư lên tiếng ảnh 3
Người thân và bà con  sinh sống trong chung cư đau xót trước cái chết của bé gái 8 tuổi

Nhận định về hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em, nhiều chuyên gia cho rằng, hành lang pháp lý của chúng ta về vấn đề này tương đối đầy đủ. Luật Trẻ em được ban hành trên cơ sở đó, Nghị định 56/ 2017/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết về một số điều của Luật Trẻ em. Trong đó quy định, bất kỳ cá nhân cơ quan tổ chức nào có thông tin về trẻ em bị xâm hại, bạo hành đều phải thông báo cho cơ quan chức năng. Pháp luật cũng quy định cơ quan tiếp nhận thông tin là Tổng đài quốc gia 111, cơ quan công an các cấp, ủy ban nhân dân các cấp, xã phường… nơi xảy ra vụ việc.

Pháp luật quy định là vậy, song thực tế có không ít người biết những vụ bạo hành trẻ nhưng vẫn không thông báo. Bởi cho rằng, đó là cách giáo dục “yêu cho roi cho vọt”, đó là việc “nhà người ta”...

Lý giải về việc có trường hợp người dân biết có bạo hành nhưng không thông báo, Cục trưởng Cục Trẻ em, Đặng Hoa Nam cho rằng, do người dân không biết đến đường dây nóng, hoặc lo ngại việc bị trả thù. Trong khi thông tin về người dân báo tin cho cơ quan chức năng sẽ được bảo mật tuyệt đối - ông Nam khẳng định.

Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, nếu có vụ việc liên quan đến xâm hại hay bạo hành trẻ em, cách đơn giản nhất là người dân gọi điện cho Tổng đài quốc gia 111, cơ quan tiếp nhận thông tinh sẽ triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để phối hợp với các cơ quan chức năng, ngăn chặn ngay hành vi dẫn đến nguy hại cho tính mạng và sức khỏe của trẻ em.

Theo Nghị quyết số: 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Quốc hội giao nhiệm vụ cụ thể cho Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, Quốc hội yêu cầu Tòa án Nhân dân Tối cao có hướng dẫn bảo đảm xét xử kịp thời, đúng người, đúng tội, áp dụng hình phạt nghiêm minh với người phạm tội xâm hại trẻ em...

Trước vụ việc bé gái ở TP. Hồ Chí Minh bị bạo hành đến tử vong, ngày 30.12.2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về xử lý hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em. Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.

Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học.

Các Bộ: Công an; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động-Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, bạo lực học đường. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ hoặc không xử lý các vụ hành hạ, xâm hại trẻ em...

Cùng với đó, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình đề cao trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ trẻ em.

Quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em đã có, Nghị quyết của Quốc hội đã có, yêu cầu của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có. Do đó, các cơ quan chức năng, trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của mình cần phải vào cuộc tích cực, chủ động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi bạo hành trẻ.

Song Hà