Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình giải trình về vi phạm hành lang bảo vệ đê

Xử lý nghiêm những vi phạm

- Chủ Nhật, 21/11/2021, 04:22 - Chia sẻ
Kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh mới đây về thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình Trần Hồng Quảng đề nghị cần nghiêm túc nhìn nhận, tổng hợp, đánh giá khách quan vi phạm hành lang bảo vệ đê để giải quyết theo thẩm quyền. Yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm, hành vi chống đối người thực thi pháp luật; chỉ đạo việc phối hợp xác định mốc giới, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm về an toàn hành lang bảo vệ đê.

Có hay không việc xử phạt để hợp lý hóa?

Đê là công trình đặc biệt quan trọng trong công tác phòng ngừa, giảm rủi ro thiên tai. Những năm qua, hệ thống đê điều của tỉnh Ninh Bình đã được đầu tư, tu bổ, nâng cấp nhiều, tuy nhiên vẫn có nhiều hạng mục đê, kè, cống chưa đáp ứng được yêu cầu chống lũ, bão. Bên cạnh đó, vi phạm hành lang đê của các tổ chức, cá nhân kéo dài nhiều năm và khó giải quyết dứt điểm... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn.

Từ vấn đề trên, Thường trực HĐND tỉnh đã lựa chọn chủ đề thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê trên địa bàn tỉnh để tổ chức phiên giải trình đầu tiên của nhiệm kỳ 2021 - 2026. Qua khảo sát thực tế 5 tuyến đê trên địa bàn, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã báo cáo khái quát kết quả và cùng các Ban HĐND tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng phóng sự về thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ các tuyến đê trên địa bàn. Clip thể hiện tương đối rõ nét các vi phạm của các cá nhân, tập thể trong hành lang bảo vệ đê.

Trên cơ sở đó, ngày 18.11 vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên giải trình yêu cầu lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các huyện, thành phố giải trình các nội dung liên quan. Tại phiên giải trình, đã có 13 lượt đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi, quan tâm nhiều đến trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quy hoạch phòng, chống lũ của các tuyến sông có đê và quy hoạch đê điều; quy hoạch bến thủy, nội địa có nội dung hiện chưa phù hợp với thực tiễn nên còn xảy ra tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê, như xây dựng công trình trái phép, tập kết nguyên vật liệu trong hành lang bảo vệ đê.

Có ý kiến cho rằng, các vi phạm đã phát sinh, tồn tại qua nhiều năm, cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, song vẫn tái diễn, phải chăng việc xử phạt để hợp lý hóa, hay “phạt cho tồn tại”, phạt chưa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa vi phạm. Đơn cử, có hộ kinh doanh, doanh nghiệp tập kết vật liệu, cát đá trong phạm vi bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ mới chỉ dừng ở mức phạt 4 - 8 triệu đồng, đến nay vẫn tái diễn, chưa dứt điểm. Vấn đề đặt ra là các hộ kinh doanh, doanh nghiệp vẫn có nhu cầu về bến bãi tập kết vật liệu xây dựng để phục vụ Nhân dân, cần có giải pháp như thế nào?Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình giải trình về thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê trên địa bàn 

Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình giải trình về thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê trên địa bàn

Ảnh: T. Dương

Dứt điểm các vi phạm theo thẩm quyền

Trả lời ý kiến của đại biểu, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, Sở đã tham mưu quyết liệt, từng bước giải quyết vi phạm, số vi phạm giảm qua các năm. Một số vụ vi phạm tồn tại từ nhiều năm có nhiều nguyên nhân. 5 năm tới, Sở sẽ tham mưu lắp biển báo trên các tuyến đê; cắm mốc hành lang an toàn đê; bố trí kinh phí kết hợp xã hội hóa với Nhà nước cùng làm để xây dựng các tuyến đường gom chân đê, đường chuyên dùng; thực hiện đúng quy hoạch. Về thực hiện Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 3.8.2017 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn, lãnh đạo Sở cho biết hiện Quy định này vẫn còn phù hợp nên chưa tính chuyện sửa đổi, bổ sung; các cơ quan, đơn vị cần tích cực, quyết liệt thực hiện hết trách nhiệm.

Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng đã trả lời làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Đề nghị lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu; thời gian tới, tham mưu cho UBND tỉnh rà soát quy hoạch liên quan cần thiết sửa đổi, xây dựng kế hoạch khắc phục tính khả thi cao nhất; kiên quyết, không bao che hành vi vi phạm… Đồng thời, mong muốn Thường trực HĐND tỉnh có nhiều phiên giải trình, giúp UBND tỉnh có thêm nhiều thông tin để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Kết luận phiên giải trình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hồng Quảng đề nghị cần nghiêm túc nhìn nhận, tổng hợp, đánh giá khách quan vi phạm hành lang bảo vệ đê để giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm minh các vi phạm, hành vi chống đối người thực thi pháp luật; chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều; chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan phối hợp xác định mốc giới, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm về an toàn hành lang bảo vệ đê.

Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo tăng cường kiểm tra, rà soát đánh giá hệ thống đê điều trên địa bàn; kịp thời phát hiện nguy cơ gây mất an toàn đê điều, các vi phạm mới phát sinh để phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp, phương án khắc phục, xử lý bảo đảm an toàn cho hệ thống đê. Kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền…

Trần Thị Thùy Dương - Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Ninh Bình