Xử lý nghiêm thủy điện Thượng Nhật

- Chủ Nhật, 22/11/2020, 12:23 - Chia sẻ
Theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa ký công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thu hồi giấy phép sử dụng tài nguyên nước. Cùng với đó, đề nghị Bộ Công thương thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đã cấp cho Công ty CP Đầu tư TĐMT Việt Nam tại thủy điện Thượng Nhật. Đây có thể nói là hành động mạnh tay của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đối với thủy điện vi phạm.

Dự án thủy điện Thượng Nhật được tỉnh này cho phép tích nước hồ chứa giai đoạn 1 vào ngày 6.1.2020 đến cao trình mực nước dâng bình thường 116 m trong thời hạn 90 ngày để thực hiện kiểm tra thấm, chạy thử, thí nghiệm hiệu chỉnh, hoàn thiện các hạng mục phía hạ lưu của nhà máy thủy điện. Hết thời gian trên, sau khi kiểm tra, vào ngày 31.1, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn về việc chưa cho tích nước vận hành chính thức nhà máy thủy điện Thượng Nhật và yêu cầu Chủ đầu tư khắc phục các điều kiện để tích nước. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành khắc phục các vấn đề tồn tại, chưa đủ điều kiện để xem xét cho tích nước.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực xem xét thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực hoạt động phát điện cấp đối với chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật.

Đồng thời, yêu cầu Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường (Bộ Công thương) xem xét xử phạt vi phạm hành chính về việc không thực hiện quan trắc quy định tại điểm c khoản 3 Điều 16 và vi phạm về vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định số 134 ngày 17.10.2013 của Chính phủ.

Thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép.
Thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép

Để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, nhất là trong công tác ứng phó thiên tai, UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Cục Quản lý Tài nguyên nước xem xét tước quyền sử dụng Giấy phép hoặc thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt đã cấp cho công ty này.

Công ty CP Đầu tư TĐMT Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Thượng Nhật đóng tại xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua kiểm tra cho thấy, chủ đầu tư nhà máy thủy điện không tiến hành quan trắc cũng như không xử lý các số liệu quan trắc do chưa tuân thủ quy trình của cấp thẩm quyền ban hành. Không chỉ dừng lại ở đó, trước ảnh hưởng của bão số 13, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu thủy điện này mở hoàn toàn 5 cửa van xả nước phòng lũ nhưng cả 2 lần đơn vị này chống lệnh chính quyền, không thực hiện.

Có thể thấy, chính quyền đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các dự án thủy điện nhỏ để khai thác mang lại giá trị kinh tế nhưng điều đó cũng không có nghĩa là doanh nghiệp chỉ “bo bo” lo cho lợi ích của mình hoặc của một nhóm người nào đó mà bất chấp thiệt hại về môi trường, về tài sản và tính mạng người dân. Doanh nghiệp không được phép chỉ vì quyền lợi của mình mà coi thường pháp luật, coi thường chính quyền sở tại.

Câu chuyện thủy điện nhỏ đã từng nóng nghị qua nhiều kỳ họp Quốc hội. Đặc biệt, sau những trận lũ lịch sử miền Trung, vấn đề này lại thực sự nóng ở diễn đàn Quốc hội, Kỳ họp thứ Mười vừa qua. Do đó, việc kiểm tra, giám sát tính tuân thủ quy định pháp luật của loại hình thủy điện này là yêu cầu đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Khi doanh nghiệp, nhà máy hoạt động bất chấp quy định pháp luật thì buộc phải có chế tài mạnh để chấn chỉnh, xử lý để răn đe.  

Đề xuất của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế là rất cần thiết vào thời điểm này. Trên cơ sở đó, các cơ quan có thẩm quyền xem xét và có biện pháp xử lý dứt điểm đối với đơn vị sai phạm. Đã đến lúc cần phải xử lý mạnh tay hơn đối với sai phạm của thủy điện nhỏ. Không xử lý nghiêm thì không chỉ có thủy điện Nhật Trường mà sẽ còn nhiều sai phạm tương tự khác sẽ tiếp tục xảy ra.

Lê Hùng