Sổ tay:

Xử nghiêm việc lưu hành quân phục, cảnh phục giả

- Thứ Tư, 21/10/2020, 05:06 - Chia sẻ
Có thể nói tình trạng mua bán, sử dụng quân phục, cảnh phục, cấp hiệu, phù hiệu giả đang tràn lan, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đây là cơ hội để những đối tượng xấu lợi dụng để mạo danh, hù dọa lừa đảo người dân vì mục đích xấu như chiếm đoạt tài sản, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

Điều 1 Nghị định 29/2016/NĐ-CP quy định: “Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép cờ truyền thống, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục Công an nhân dân. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Đồng thời, tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm được quy định thì người có hành vi sản xuất, buôn bán quân trang, quân dụng có số lượng lớn (trên hoặc dưới 100 triệu đồng) và từng bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì tùy mức độ có thể bị phạt tù từ 1 - 15 năm.

Như vậy, pháp luật đã quy định cụ thể, rõ ràng về việc nghiêm cấm sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng cấp hiệu, phù hiệu, trang phục của ngành công an. Tuy nhiên, trên thực tế việc mua, bán, sử dụng trang phục của lực lượng công an tràn lan, chỉ cần lên mạng tìm kiếm là có thể mua được ngay, khá dễ dàng. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người làm trong lực lượng công an tặng, cho thân nhân, bạn bè cảnh phục để sử dụng sai quy định nhưng ít khi bị nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý. 

Gần đây nhất, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ Trương Nguyễn Gia Bảo (40 tuổi, quận 11) sử dụng bộ cảnh phục công an giả để trộm cắp. Hay, Trần Thanh Long ở huyện Châu Thành, Bến Tre mặc cảnh phục ngành công an để dừng xe nhiều người đòi kiểm ta giấy tờ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...

Việc sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng cảnh phục, cấp hiệu công an nhân dân là bất hợp pháp, gây tác hại tiêu cực cho xã hội. Đặc biệt việc mạo danh cán bộ, chiến sĩ công an để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân diễn ra khá phổ biến. Điều này vừa gây mất trật tự an toàn xã hội, bất an trong nhân dân, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lực lượng công an nói riêng và cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng cảnh phục, cấp hiệu công an nhân dân. Theo đó, cấm triệt để việc mua, bán, sử dụng cảnh phục công an nhân dân trong mọi trường hợp, kể cả việc tặng, cho giữa người thân, bạn bè. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo đúng pháp luật để răn đe, phòng ngừa.

Có như vậy, mới giải quyết triệt để tình trạng việc sử dụng cảnh phục giả tràn lan gây tác hại tiêu cực cho người dân, xã hội. Việc này không chỉ chấn chỉnh, lấy lại hình ảnh, sự trang nghiêm của lực lượng công an nhân dân mà còn phòng ngừa tình trạng sử dụng trang phục giả để lừa đảo, gây hại cho người dân.

Phạm Chung