Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với an sinh xã hội

Xu thế tất yếu

- Thứ Tư, 23/09/2020, 06:27 - Chia sẻ
Thực hiện an sinh xã hội là một nội dung cơ bản trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, việc làm tốt chính sách xã hội đối với cộng đồng chính là thước đo cơ bản để doanh nghiệp gia tăng giá trị thương hiệu. Tuy nhiên, hiện nay trách nhiệm xã hội đối với công tác an sinh xã hội của doanh nghiệp chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ.

Lợi ích kép

Số liệu khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện gần đây tại 50 doanh nghiệp thuộc hai ngành dệt may và da giầy cho thấy, nhờ thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội (CSR) trong đó có an sinh xã hội mà doanh thu của các doanh nghiệp này đã tăng 25%; năng suất lao động tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm; tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%. Ngoài hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao… Do vậy, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp đã coi việc thực hiện CSR và an sinh xã hội chính là đòn bẩy, động lực cho sự phát triển của mình.

Thực hiện an sinh xã hội là một nội dung cơ bản và tất yếu trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Nguồn: ITN

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay nước ta có hơn 700.000 doanh nghiệp đang tham gia thị trường có đăng ký, có đến 5 triệu hộ kinh doanh cá thể; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) khoảng 54,88 triệu người, số người lao động đang làm việc ước tính 53,52 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I.2019 khoảng 2,2%. Trong bối cảnh như vậy, vấn đề đặt ra là hệ thống doanh nghiệp đã và đang có vai trò, trách nhiệm như thế nào để cùng với Nhà nước và cộng đồng giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội.

Thực tiễn cho thấy, những doanh nghiệp thực hiện tốt CSR thường đạt được những lợi ích đáng kể, bao gồm giảm chi phí, tăng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất và thêm cơ hội tiếp cận những thị trường mới. CSR là khái niệm mới được du nhập vào Việt Nam khoảng hơn thập niên qua, song những năm gần đây, đã có không ít doanh nghiệp Việt Nam, để tạo lập được thương hiệu vững bền và sáng giá. Do vậy, thực hiện CSR ngày càng được các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn và coi đó là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển, hội nhập.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho thấy, một số rào cản và thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối diện trong quá trình thực hiện CSR như: Nhận thức về khái niệm CSR còn hạn chế, còn có sự khác biệt lớn trong nhận thức và hiểu biết về CSR giữa các doanh nghiệp Việt Nam; Năng suất bị ảnh hưởng khi phải thực hiện đồng thời nhiều bộ quy tắc ứng xử...

Đề cao vai trò của doanh nghiệp

Việt Nam đang đối diện với thách thức lớn về biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa an sinh xã hội và sức khỏe con người cũng như sự phát triển bền vững của hệ sinh thái. Đặc biệt, hiện nay do tác động dịch Covid - 19 đã làm gia tăng số người hưởng trợ cấp xã hội. Việc này cũng đồng nghĩa cần rất nhiều nguồn lực cũng như sự chung tay của toàn xã hội để mang lại những thay đổi tích cực cho cộng đồng. Tuy nhiên, làm thế nào để cộng đồng doanh nghiệp thực hiện CRS đối với công tác an sinh xã hội thực chất và hiệu quả hơn rất cần có những quy định cụ thể.

Theo Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một trong nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (trong đó có vấn đề thực hiện an sinh xã hội) nửa vời là do tổ chức công đoàn ở một số nơi còn yếu. Tại khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế tư nhân, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, nhiều doanh nghiệp tổ chức công đoàn hoạt động chỉ mang tính chất hình thức, là cánh tay nối dài của chủ sử dụng lao động. Do vậy, khi có tranh chấp xảy ra, người lao động trong tình thế không được bảo vệ, để giải quyết vấn đề họ tìm cách đình công.

Đánh giá việc thực hiện CSR của doanh nghiệp trong công tác an sinh xã hội, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, các doanh nghiệp tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện như giúp nạn nhân bão lụt, thiên tai hay tai nạn, đóng góp vào Quỹ xoá đói giảm nghèo. Bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa nhận thức được thực hiện an sinh xã hội là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các hoạt động mang tính tự phát, đánh bóng hình ảnh với mục đích riêng. Do vậy, việc đề cao vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện an sinh xã hội rất quan trọng ở Việt Nam hiện nay. 

“Chính sách an sinh xã hội hiện nay được biết đến bởi hai trụ cột bảo hiểm xã hội và Trợ giúp xã hội. Do vậy, tăng cường sự tham gia của chủ thể doanh nghiệp vào quá trình thực hiện an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay là một tất yếu nhằm xây dựng và thực hiện hệ thống an sinh của Việt Nam ngày càng tốt hơn, bao phủ rộng hơn, hiệu quả hơn” - ông Hồi cho biết.

Để xây dựng hệ thống an sinh xã hội toàn diện thì rất cần sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp có thể thực hiện được CSR của mình; hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và tham gia thị trường lao động... Còn đối với doanh nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội sẽ giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp, doanh nhân, từ đó sẽ mang lại nhiều lợi nhuận kinh tế và lợi ích chính trị - xã hội cho họ. Trong đó, thực hiện trách nhiệm xã hội không đơn thuần là một hoạt động từ thiện mà doanh nghiệp cần phải chấp hành các quy định của pháp luật, mục tiêu kinh doanh luôn hướng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng xã hội.

Thái Yến