Xuất khẩu dệt may 2022 có thể đạt 43,5 tỷ USD

- Thứ Hai, 27/12/2021, 06:44 - Chia sẻ
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) TRƯƠNG VĂN CẨM cho biết ngành dệt may có nhiều khởi sắc trong quý IV và sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD. Năm tới, nếu dịch được kiểm soát cơ bản trong quý I, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 42,5 - 43,5 tỷ USD.

Ba kịch bản xuất khẩu

- Ngành dệt may hồi phục như thế nào từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19, thưa ông?

-  Năm 2021, ngành dệt may trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Quý I các doanh nghiệp đã rất phấn khởi vì ký được hợp đồng đến hết quý III nhưng tháng 5 dịch bệnh bùng phát khiến doanh nghiệp thực sự lo lắng. Quý III là thời điểm dịch bệnh tác động đáng quan ngại nhất với ngành dệt may. Tháng 8, xuất khẩu dệt may giảm tới 15,8% so với tháng 7, tháng 9 giảm 9,2% so với tháng 8.

Từ tháng 10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ngành dệt may Việt Nam có nhiều khởi sắc. Tình hình sản xuất kinh doanh quý IV rất lạc quan và mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD sẽ đạt được.

Bên cạnh đó, số lao động đã quay lại nhà máy làm việc ít nhất là 85%, tại đa số doanh nghiệp là 90 - 95%. Điều này cho thấy sự chăm lo và các chính sách an sinh xã hội của doanh nghiệp đã giữ chân được người lao động.

- Theo ông, năm 2022 có lạc quan hơn với ngành dệt may không?

- Năm 2022 còn rất nhiều khó khăn doanh nghiệp dệt may phải vượt qua. Hiệp hội Dệt May Việt Nam dự kiến 3 kịch bản dựa theo diễn biến dịch bệnh và tình hình thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ Trung ương đến địa phương. Kịch bản tích cực nhất phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 42,5 - 43,5 tỷ USD nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I.2022. Kịch bản trung bình là xuất khẩu đạt 40 - 41 tỷ USD nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm. Kịch bản thấp nhất đạt 38 - 39 tỷ USD trong trường hợp dịch bệnh có những diễn biến phức tạp kéo dài đến cuối năm 2022.  

Tiêm vaccine mũi 3 cho tất cả lao động

- Theo ông, điều kiện tiên quyết để ngành dệt may đạt kết quả tốt trong năm tới là gì?

- Để doanh nghiệp hoạt động ổn định, có điều kiện phục hồi và phát triển bền vững, việc tiếp tục tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người lao động cũng như toàn dân là điều kiện tiên quyết. Bởi, chống dịch là yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Do đó, cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, bao phủ vaccine trên khắp cả nước và có thể có phương án tiêm mũi thứ 3 cho toàn bộ người lao động. Như vậy chúng ta mới có thể tự tin hơn khi đàm phán, giao lưu với các đối tác quốc tế và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trong điều kiện bình thường mới.

		Ảnh minh họa
Nguồn: ITN

- Doanh nghiệp dệt may mong muốn được hỗ trợ như thế nào, thưa ông?

- Cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2022 gặp rất nhiều khó khăn. Dù kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt chỉ tiêu nhưng nguồn lực của rất nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ để tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp. Cần sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi và phát triển trong giai đoạn nhiều chông gai như hiện nay. Thời gian qua, các diễn đàn, hội nghị lớn ở quy mô quốc gia liên tục được tổ chức nhằm bàn bạc, tìm ra những giải pháp cho vấn đề phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, gần đây nhất là Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021. Đối với các doanh nghiệp đây là một điều rất đáng mừng.

Không chỉ vậy, Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết 68/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19… là những quyết sách rất kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch. Cũng có những điều kiện tiếp cận chưa sát với thực tế nên những gói hỗ trợ ban đầu chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên, Chính phủ đã kịp thời tiếp thu các ý kiến đóng góp và những gói hỗ trợ sau đã đến được với rất nhiều đối tượng.

Một điều đáng lưu ý là cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng và bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.  

- Xin cảm ơn ông!

Minh Trang thực hiện