Xuất khẩu dệt may năm 2020 không đạt mục tiêu

- Thứ Tư, 02/12/2020, 06:04 - Chia sẻ

Đây là thông tin được đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đưa ra tại cuộc họp báo Đại hội nhiệm kỳ VI (2020 - 2025) và tổng kết năm 2020 được tổ chức chiều 1.12.

Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang phát biểu tại cuộc họp báo
Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang phát biểu tại cuộc họp báo

Báo cáo của VITAS cho biết, xuất khẩu hàng dệt may đã duy trì đà tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2016 - 2019. Nếu như năm 2016 đạt 28,12 tỷ USD; năm 2019 tăng lên gần 39 tỷ USD, tăng trưởng kép bình quân hàng năm đạt 9,55%. Riêng năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt hơn 35 tỷ USD, giảm 9,3% so với năm 2019, không đạt mục tiêu đặt ra (40 - 42 tỷ USD).

Lý giải nguyên nhân, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang thừa nhận, các doanh nghiệp ngành dệt may trải qua cung bậc hết sức phức tạp. Theo đó, ngay từ khi có thông tin về dịch cuối năm 2019, đầu năm 2020, các doanh nghiệp đã bị thiếu hụt nguồn cung từ các nước xuất khẩu vào Việt Nam. Hàng loạt đơn hàng bị chững lại do nguồn hàng không về kịp, nhiều sản phẩm phải đi đường vòng khiến chi phí tăng. Phương pháp mua hàng của các nhà nhập khẩu dệt may của Việt Nam cũng thay đổi, từ phương thức thuần túy chuyển sang thanh toán trả chậm 1 - 4 tháng, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả tiền lương cho người lao động, thanh toán tiền nguyên phụ liệu…

Bên cạnh đó, một số mặt hàng vốn có thế mạnh như sơ mi, veston, đầm nữ cao cấp đã bị giảm tới 80 - 90%, doanh nghiệp buộc phải chuyển sang sản xuất sản phẩm bảo hộ lao động, quần áo trong nhà, quần áo thể thao, khẩu trang… Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp phải đào tạo lại lao động, gia tăng chi phí hoạt động.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, đại diện VITAS thừa nhận ngành dệt may đứng trước nhiều lợi thế và thách thức đan xen, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài 1 - 2 năm tới. Việt Nam tuy đã kiểm soát khá thành công đại dịch nhưng dự kiến năm 2021 cũng chỉ đạt mức của năm 2019. Theo đó, năm 2021, mục tiêu xuất khẩu ngành dệt may sẽ đạt 37 - 38 tỷ USD với điều kiện từ quý I.2021 thế giới kiểm soát được đại dịch Covid-19. Đến năm 2025, ngành phấn đấu xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, tăng bình quân 9,4%/năm, sử dụng 3 triệu lao động, thặng dư thương mại đạt 33 tỷ USD và giá trị tăng thêm của sản phẩm dệt may xuất khẩu đạt 65%.

Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, VITAS sẽ tiếp tục đặt mục tiêu vì lợi ích của hội viên làm trọng tâm cho các hoạt động. Cụ thể, hiệp hội sẽ làm tốt vai trò kết nối doanh nghiệp hội viên với doanh nghiệp trong ngành nhằm xây dựng chuỗi cung ứng; phối hợp với các tổ chức quốc tế, hiệp hội ngành hàng các nước triển khai chương trình phát triển bền vững, chương trình đào tạo, xúc tiến thương mại…

Đặc biệt, VITAS kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030 tầm nhìn 2035, chỉ đạo hình thành các khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án đầu tư vào khâu dệt nhuộm, đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Cũng tại cuộc họp báo, đại diện VITAS cho biết, Hiệp hội dự kiến tổ chức đại hội nhiệm kỳ VI (2020 - 2025) và tổng kết năm 2020 ngày 12.12.2020 tại Hà Nội nhằm tổng kết, đánh giá các hoạt động của ngành; chỉ ra công việc, giải pháp cần thiết trong giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2035.

Tin và ảnh: Vũ Thủy