Xuất khẩu gỗ: Đa dạng thị trường để giảm rủi ro

- Thứ Hai, 17/01/2022, 07:12 - Chia sẻ
Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam NGÔ SỸ HOÀI cho biết, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ có thể đạt ít nhất 17 tỷ USD trong năm 2022. Theo ông, ngành công nghiệp gỗ có khả năng xuất khẩu các sản phẩm lớn, đặc biệt là vào thị trường Mỹ, nhưng cần phải đa dạng thị trường để giảm thiểu rủi ro.

Vượt xa mục tiêu 

Trong năm 2021 đầy khó khăn, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ thu được kết quả như thế nào, thưa ông?

Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoà

-  Năm qua, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp song các doanh nghiệp vẫn xuất khẩu được 14,8 tỷ USD gỗ và các sản phẩm gỗ cùng khoảng 1,1 tỷ USD lâm sản ngoài gỗ. Tính chung tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 15,9 tỷ USD. Mức tăng trưởng như vậy cũng tương đối cao, vượt xa mục tiêu 14 tỷ USD đề ra đầu năm.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nguyên liệu gỗ không tăng nhiều như các năm khác, chỉ trên 2,4 tỷ USD. Diễn biến này thể hiện 2 điều đáng mừng. Một là nguyên liệu trong nước ngày càng được chú trọng có thể cung cấp đủ cho xuất khẩu. Thứ hai, nguyên liệu đầu vào cũng tiêu hao ít hơn, nghĩa là xuất khẩu tăng là do tăng giá trị theo chiều sâu chứ không phải tăng nguyên liệu.  

-  Vì sao ngành gỗ tăng trưởng ấn tượng như vậy trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh ở phía Nam, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp gỗ?

- Chúng ta đang có lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và các doanh nghiệp đã có sự nhạy bén với thị trường, từ đó chuyển đổi linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh… Bên cạnh đó, sự ra đời của Nghị quyết 128/NQ-CP chuyển hướng thích ứng an toàn với dịch như "cởi trói" cho doanh nghiệp. Nếu trong tháng 9.2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ rơi xuống đáy theo hình chữ V, thì sau khi có Nghị quyết 128, công nhân đi làm được, chuỗi cung ứng phục hồi, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trở lại. Việc các công nhân được tiêm vaccine cũng giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, lấy lại được đà tăng trưởng, góp phần rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu của ngành.

Tuy vậy, ngành gỗ hiện cũng đối mặt với 3 khó khăn lớn. Một là, giá nguyên vật liệu vẫn tăng cao, hiện nguyên liệu gỗ nhập từ Mỹ, châu Âu tăng 20 - 30%, có lúc tăng 50%. Thứ hai, chi phí vận tải biển tăng rất nhiều làm cho nhiều khách hàng tính toán, nghĩ đến chuyện mua và nhập khẩu sản phẩm gỗ ở những nước có chi phí vận tải thấp hơn. Thứ ba, nguồn lao động ngành gỗ vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn.

Phát triển ngành công nghiệp gỗ minh bạch, có trách nhiệm

- Năm 2022, ngành đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 16 tỷ USD nhưng có ý kiến cho rằng đây là mục tiêu “khiêm tốn”, ý kiến của ông như thế nào?

- Những khó khăn, thách thức nhất mà dịch Covid-19 mang lại trong năm qua chúng ta đều đã vượt qua để giữ được mức tăng trưởng ổn định. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, năm nay tác động của dịch giảm đi nhiều và kinh tế thế giới sẽ hồi phục. Vì vậy, hy vọng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt ít nhất là 17 tỷ USD!

Xuất khẩu gỗ sẽ đạt 17 tỷ USD trong năm 2022

- Hướng đến con số như vậy, theo ông cần chú trọng những vấn đề gì?

- Đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thử thách cho ngành gỗ và cũng đặt ra một số vấn đề cần khắc phục để tiếp tục tăng trưởng. Doanh nghiệp gỗ phải thích ứng với bối cảnh mới, biết tận dụng một số cơ hội. Ngành công nghiệp gỗ có khả năng xuất khẩu các sản phẩm lớn, đặc biệt là vào thị trường Mỹ, nhưng cũng cần phải đa dạng thị trường để giảm thiểu rủi ro.

Cùng với đó, phải xem thương mại điện tử, chuyển đổi số là giải pháp căn cơ và đẩy mạnh cải thiện quản trị doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải làm rốt ráo hơn, tận dụng cơ hội, nếu không sẽ bị chậm lại phía sau.

Với xu hướng tăng trưởng xanh, các quốc gia đều cam kết giảm phát thải khí nhà kính và Việt Nam cũng hướng tới "net zero" vào năm 2050. Ngành công nghiệp gỗ sử dụng nguyên liệu từ rừng, bộ phận nhạy cảm của môi trường. Vì vậy cần phát đi thông điệp mạnh mẽ sẽ kiên quyết phát triển ngành công nghiệp gỗ minh bạch, có trách nhiệm, hướng tới xuất khẩu bền vững.  

- Về phía cơ quan quản lý cần có sự hỗ trợ như thế nào, thưa ông?

- Các cơ quan hoạch định chính sách, đặc biệt là các cơ quan ngoại giao và đại diện thương mại ở nước ngoài cần tích cực hơn trong việc hỗ trợ thông tin để nếu có những biến động thì kịp thời thông báo cho các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh tự do hóa thương mại nhưng các quốc gia vẫn giành cho mình quyền phòng vệ thương mại, có thể áp dụng biện pháp áp thuế chống bán phá giá, áp thuế trợ cấp sản xuất, tự vệ thương mại. Việt Nam đã trở thành một quốc gia xuất khẩu nhiều sản phẩm gỗ, một khi tăng trưởng mạnh, bứt phá thì sẽ luôn nằm trong tầm ngắm, nên cần Bộ Công thương và các cơ quan đại diện thương mại sớm cảnh báo cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần tăng cường đào tạo để trang bị kiến thức phòng vệ thương mại cần thiết cho doanh nghiệp gỗ, không để xảy ra tình trạng điều tra về vấn đề này để hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nhung