Xuất khẩu trực tuyến - cần nhiều yếu tố để thành công

- Thứ Bảy, 15/01/2022, 06:06 - Chia sẻ
Theo chuyên gia, các mặt hàng muốn có kim ngạch cao phải dần chuyển sang xuất khẩu trực tuyến nhưng không phải nói muốn xuất khẩu là được vì còn đòi hỏi nhiều yếu tố.

Thương mại điện tử xuyên biên giới tăng 25,7%

Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử, năm 2021 ghi nhận thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng đến 25,7% so với năm 2020.

Trước đó, Amazon Global Selling ghi nhận từ ngày 1.9.2020 đến 31.8.2021, hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đã bán tổng cộng 7,2 triệu sản phẩm cho khách hàng thế giới. Năm 2021, số lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ trên Amazon cũng tăng 34% so với 2020.

Năm 2021, lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ trên Amazon tăng 34%
Nguồn: ITN

Ví dụ điển hình cho sự phát triển của xuất khẩu trực tuyến là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào tháng 5.2021, tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đã xuất khẩu được hơn 89 nghìn tấn vải qua các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Sendo, Voso.

Để thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã triển khai đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trực tuyến. Mới đây, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số vận hành mô hình B2B2C (mô hình kinh doanh có sự hợp tác giữa 2 doanh nghiệp để tạo ra và cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến tay người tiêu dùng cuối) qua "Gian hàng quốc gia Việt Nam" trên sàn jd.com nhằm tạo thêm một kênh phân phối mới cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc.

Ở cấp địa phương, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020 - 2024. Trong đó, đẩy mạnh việc đưa sản phẩm hàng Việt Nam lên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như: Amazon, Alibaba... để người Việt tại nước ngoài có cơ hội tra cứu, tiếp cận, mua hàng.

Phải quan tâm tới chất lượng

Các chuyên gia đánh giá, việc đẩy mạnh, quan tâm đến xuất khẩu trực tuyến là hết sức cần thiết. Xuất khẩu trực tuyến giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn tập trung vào thị trường nội địa, chỉ có trên 25% đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó còn nhiều hạn chế về tài chính, nhân lực và tư duy quản trị, thương mại quốc tế, công nghệ còn chưa đồng bộ, chính sách hỗ trợ còn manh mún. Các khâu kiểm soát chất lượng vẫn hạn chế nhiều mặt.

Ông Mạc Quốc Anh cho rằng phải quan tâm đến chất lượng mới giữ chân được khách hàng trên các sàn thương mại điện tử. Trên nền tảng trực tuyến, các dịch vụ về bán hàng, trang thông tin của vùng trồng phải được cập nhật, thay đổi giao diện bắt mắt, thanh toán phải nhanh hơn. Doanh nghiệp cũng cần đào tạo năng lực cho người lao động. Khâu marketing, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ cần được quan tâm hơn. Đặc biệt, doanh nghiệp nên đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số. 

Xuất khẩu trực tuyến sẽ rủi ro hơn so với phương thức truyền thống, do đó khâu quản lý cũng phải thay đổi, không thể áp dụng phương pháp quản lý cũ, PGS.TS. Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương đề xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự hỗ trợ về tài chính và nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức để dịch chuyển kinh doanh sang môi trường trực tuyến. Cho rằng các mặt hàng muốn có kim ngạch xuất khẩu cao phải dần chuyển sang xuất khẩu trực tuyến nhưng ông Thắng nhấn mạnh: Không phải nói muốn xuất khẩu là được vì còn đòi hỏi nhiều yếu tố, từ thiết bị, công nghệ, môi trường ổn định, cần lao động am hiểu công nghệ, sự thay đổi về cung cách làm ăn… Doanh nghiệp cần ý thức được điều này để có cách làm, điều chỉnh phù hợp.

Hạnh Nhung