Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế

Xuất phát từ nhu cầu thực tế

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 06:18 - Chia sẻ
Trước những băn khoăn của đại biểu Quốc hội về quy định mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp xã ở khu vực biên giới, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có giải trình và khẳng định, quy định này được cân nhắc hết sức thận trọng, xuất phát từ nhu cầu thực tế của các tỉnh, nhất là có quan hệ của các xã với các nước láng giềng. Thỏa thuận quốc tế được ký nhân dân UBND cấp xã ở khu vực biên giới phải do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định và cho phép.

Thúc đẩy giao lưu, hợp tác phát triển khu vực biên giới

Khoản 2, Điều 2, dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế đã quy định mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện. Đối với UBND cấp xã chỉ mở rộng đến UBND cấp xã ở khu vực biên giới. Quy định này được ban soạn thảo kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu, trao đổi văn hóa, hợp tác phát triển KT - XH khu vực biên giới.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế

Bày tỏ sự lo ngại về năng lực của cán bộ cấp xã ở khu vực biên giới khi thực hiện ký kết thỏa thuận quốc tế, các ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, quan hệ quốc tế sâu rộng, hướng tới tương lai cũng ẩn chứa nhiều vấn đề nhạy cảm, đa dạng về kinh tế, chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu cho chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định. ĐB Lưu Bình Nhưỡng lưu ý thêm, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chi phí, ngân sách, tài chính, trong khi cấp xã không đủ năng lực tài chính, năng lực nhân sự để làm việc này. Do vậy, chỉ nên quy định UBND cấp huyện có quyền ký thỏa thuận quốc tế và UBND cấp huyện chỉ định xã nào đứng ra thực hiện các thỏa thuận quốc tế, để bảo đảm sự an toàn.

Cân nhắc tính khả thi của dự thảo Luật, ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, nếu giao cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới ký kết thỏa thuận quốc tế thì dự thảo nên quy định rõ hơn về điều kiện, tiêu chuẩn nhân lực thực hiện nhiệm vụ ký kết thỏa thuận quốc tế, từ đó có cơ sở bố trí nhân sự thực hiện công tác đào tạo và đào tạo lại. Đồng thời, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới được ký kết thỏa thuận quốc tế. ĐB Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng, cần bổ sung quyền hạn của UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới trong ký kết thỏa thuận quốc tế tại Luật này, nhằm bảo đảm tính pháp lý và thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

Phù hợp với khả năng thực thi

Khẳng định sự cần thiết của việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp xã ở khu vực biên giới, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho biết, Quảng Trị đã rất nhiều năm xây dựng mô hình kết nghĩa bản - bản với nước bạn Lào, với 24 chặng kết nghĩa bản - bản. Điều đó để thấy kết nghĩa dưới cấp xã đã rất hiệu quả trong hỗ trợ phát triển kinh tế, tuần tra cột mốc, quản lý biên giới, hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, giao lưu nhân dân giữa hai bên biên giới, tăng cường đoàn kết hữu nghị; chúng ta không chỉ ngoại giao về Nhà nước, về Đảng, mà còn ngoại giao nhân dân. Và mô hình từ Quảng Trị đã được nhân điểm ra nhiều tỉnh dọc biên giới Việt Nam - Lào, do Bộ đội Biên phòng và Mặt trận Tổ quốc trực tiếp chỉ đạo.

Dù ký kết là hình thức về mặt văn bản, nhưng ngay trong thực tiễn, ĐB Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh, quan hệ ngoại giao, đối ngoại, hợp tác hỗ trợ lẫn nhau giữa chính quyền cấp xã đã rất hiệu quả. Tại sao không đặt vấn đề, thực tiễn đó cần được luật hóa để điều chỉnh mối quan hệ này? Một số đại biểu đề nghị, chỉ giao UBND cấp huyện trở lên ký kết thỏa thuận quốc tế, thì rất cần cân nhắc lại, vì cấp xã là cấp trực tiếp nhất để gắn bó, đoàn kết và có những quan hệ cụ thể với các địa phương ở dọc biên giới.

“Chúng ta lo ngại cấp xã không đủ lực lượng, thẩm quyền, điều kiện để thực hiện các thỏa thuận quốc tế, như vậy chưa hoàn toàn đúng. Vấn đề là nội dung đó như thế nào, có phù hợp với khả năng thực thi, thực hiện cam kết giữa các địa phương mới quan trọng. Trong khi đó, dự thảo Luật cũng có quy định giao thẩm quyền cho cấp xã ký kết thỏa thuận quốc tế về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa giữa chính quyền địa phương cấp xã. Nói rộng ra có thể hiểu, đây là những việc phù hợp với khả năng của địa phương”, ĐB Hoàng Đức Thắng nói.

Tiếp thu và giải trình ý kiến của các ĐBQH, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, quy định mở rộng chủ thể đến UBND cấp xã ở khu vực biên giới đã được thảo luận kỹ, xem xét hết sức thận trọng. Quy định này xuất phát từ nhu cầu thực tế của các tỉnh, nhất là có quan hệ của các xã với các nước láng giềng. Thời gian qua, UBND cấp huyện đã ký kết 874 văn bản thỏa thuận quốc tế, 157 xã ký kết thỏa thuận quốc tế. Chúng ta có nhu cầu và thực hiện có hiệu quả, tăng cường quan hệ giữa các xã ở khu vực biên giới với các nước láng giềng.

Đặc biệt, để bảo đảm chất lượng các thỏa thuận quốc tế và gạt đi sự lo ngại của các đại biểu về khả năng, năng lực của các xã có khu vực biên giới, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, dự thảo Luật đã quy định rõ các nội dung được ký kết thỏa thuận của UBND xã ở khu vực biên giới, giới hạn trong nội dung giao lưu, trao đổi thông tin, hợp tác quản lý biên giới theo điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng. Hơn nữa, thỏa thuận quốc tế được ký nhân danh UBND cấp xã ở khu vực biên giới phải do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, cho phép. Chúng ta khẳng định trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong quản lý hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh, phù hợp với quy định của pháp luật. Chính phủ sẽ cụ thể hóa nguyên tắc thống nhất quản lý đối ngoại với việc ký kết thỏa thuận quốc tế.

Anh Thảo