Xứng danh vựa nông sản vùng châu thổ sông Hồng

- Thứ Hai, 08/11/2021, 05:14 - Chia sẻ
"Ai có nghe tên vải Thanh Hà/ Tiếng đồn vang vọng khắp gần xa… ". Nhắc tới Hải Dương là nhớ tới vải thiều Thanh Hà - một trong những đặc sản nổi tiếng được các thị trường khó tính ưa chuộng. Thế nhưng, với lợi thế hơn 60% diện tích đất nông nghiệp cùng nhiều ưu đãi về điều kiện tự nhiên, nơi đây được coi là vựa nông sản của vùng châu thổ sông Hồng với nhiều chủng loại, năng suất cao, chất lượng tốt, trong đó cùng vải Thanh Hà phải kể đến rươi, cáy Tứ Kỳ, na Chí Linh hay rau màu Gia Lộc.
Thu hoạch na ở phường Hoàng Tiến (Chí Linh)
Ảnh: Thành Chung

Đặc sản từ thiên nhiên

Nếu như ở vùng Đồng Tháp Mười có cây lúa trời tự mọc thì ở vùng Bắc Bộ có loài rươi tự nổi. Mỗi dịp tháng 9, 10 âm lịch, người nông dân sinh sống ven đê sông Thái Bình (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) lại xắn tay thu lượm “lộc trời”. Đó là loài rươi, loài sinh vật thân mềm được nhiều thực khách săn đón như một đặc sản từ thiên nhiên.

Với giá trị cao, sản lượng hơn 300 tấn/năm, năm 2018, Hội Nông dân huyện Tứ Kỳ đã xây dựng thành công nhãn hiệu cho những sản phẩm này. Năm 2019, sản phẩm rươi, cáy cấp đông Tứ Kỳ được tỉnh Hải Dương đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Từ đó, nhãn hiệu rươi, cáy đã trở thành sản phẩm hàng hóa chuyên biệt; những vùng đất bãi được người dân quy hoạch bài bản để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho phát triển. Có nhãn hiệu, việc nhận diện sản phẩm cũng dễ dàng hơn; rươi, cáy Tứ Kỳ không còn bị nhầm lẫn với các sản phẩm cùng loại khác. Nhờ đó, vị thế của sản phẩm ngày càng được nâng cao. 

Theo những người nông dân đã có hàng chục năm thâm niên đi săn rươi, rươi là loại thủy sản hoàn toàn sống tự nhiên ở vùng nước lợ, không ai nuôi được nhưng để cho năng suất cao thì ngoài yếu tố thiên nhiên ưu đãi, cần phải cải tạo môi trường đất, nước sạch. Vài năm trở lại đây, sau khi thu hoạch lúa, nhiều hộ gia đình còn xây kè đắp bờ, chia luồng lạch, cải tạo đất làm môi trường sống cho rươi chui lên để thu hoạch.

Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Hải Dương cho biết, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản này, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã có định hướng một mặt tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho người dân mở rộng diện tích khai thác. Mặt khác, tích cực tuyên truyền để người dân tuân thủ chặt chẽ quy định bảo đảm vệ sinh môi trường ở những ruộng rươi, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản khác trên cùng khu vực sông. 

Theo thống kê, toàn huyện Tứ Kỳ có 500ha đang cho khai thác rươi và cáy, tập trung ở các xã An Thanh, Cộng Lạc, Chí Minh, Quang Trung, Bình Lãng và Nguyên Giáp. Năng suất rươi chính vụ tháng 9 (âm lịch) trung bình đạt từ 15 - 20kg/sào, hộ cao đạt 25kg/sào. Giá rươi bán tại ruộng từ 380 - 400.000 đồng/kg. 

Loại cây đổi đời của nhiều nông dân 

Với người dân TP. Chí Linh, cây na được ví như loại cây đổi đời, bởi nhiều gia đình từ chỗ khó khăn đã trở nên ngày càng khá giả. Phù hợp với kiểu thổ nhưỡng vùng đồi núi, cùng với kỹ thuật trồng, chăm sóc của nông dân nơi đây, cây na đã sinh trưởng và phát triển mạnh, năng suất và chất lượng nổi trội hơn hẳn na trồng ở các vùng khác trong tỉnh Hải Dương. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, cây na mang lại hiệu quả kinh tế cao, doanh thu từ 300 - 400 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh Hải Dương hiện có trên 900ha na, TP. Chí Linh có khoảng 839ha với sản lượng ước đạt 15.000 tấn, tập trung chủ yếu ở các phường Bến Tắm, Hoàng Tân, Hoàng Tiến… Từ năm 2016, khi Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Na Chí Linh", thương hiệu na ngày càng được nâng tầm. 

Đến nay, trên địa bàn TP. Chí Linh đã có tới trên 50% hộ trồng na áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất na ra trái vụ. Việc đa dạng hóa trong sản xuất đã đưa sản lượng đạt trên 15.000 tấn/năm, với giá bán trung bình của na trái vụ từ 35 đến 40.000 đồng/kg cắt tại vườn, cao gấp đôi so với chính vụ, giúp nhiều hộ trồng na trái vụ thu về hàng trăm triệu đồng/năm. 

Với việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, diện tích na được chứng nhận VietGAP ngày càng tăng, tạo được vùng sản xuất na an toàn, bền vững. Giá thành na VietGAP cao hơn từ 12 - 15% so với na không sản xuất theo quy trình này. Sản phẩm na của Chí Linh được người tiêu dùng đánh giá có chất lượng tốt, độ thơm, độ ngọt cao và không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Cây na đã làm giàu cho nhiều hộ nông dân và trở thành cây ăn quả chủ lực của TP. Chí Linh.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Dương, hiện toàn tỉnh đang duy trì 75.000ha đất nông nghiệp, trong đó, có 56.000ha đất trồng lúa, gần 10.000ha vải thiều và các loại cây ăn quả khác, với gần 10.000ha cây trồng sản xuất theo quy trình VietGAP, trong đó, cấp giấy chứng nhận được 600ha; có 60 cơ sở chăn nuôi tập trung được cấp chứng nhận VietGAP; trên 1.100 hộ chăn nuôi được tập huấn kỹ thuật sản xuất theo VietGAP. 

Rau màu vùng "đất ngọt"

Được ví như vùng "đất ngọt", vùng rau màu truyền thống của tỉnh, đến nay, bà con nông dân tại huyện Gia Lộc đã học cách canh tác, xây dựng quy trình sản xuất khoa học, gắn trồng trọt với ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu tập thể Rau An toàn Gia Lộc, huyện còn có 2 sản phẩm là cải bắp Tân Minh Đức của HTX Tân Minh Đức (xã Phạm Trấn) và dưa chuột HD-Green của Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HD-Green (thị trấn Gia Lộc) được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, đạt tiêu chuẩn 4 sao. 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, để thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao, huyện hỗ trợ 100.000 đồng/m2 nhà màng, 50.000 đồng/m2 nhà lưới; nhằm khắc phục được những bất lợi do thời tiết, hạn chế sâu bệnh hại, giảm chi phí, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nông sản được tiêu thụ thuận lợi, giá trị sản xuất đạt từ 1 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Nhờ mô hình nhà màng và hệ thống tưới tự động, nhiều nông dân đã thử nghiệm những cây trồng mới mang lại giá trị cao. Dưa chuột baby, cà chua cherry hay cải kale là những nông sản vốn chỉ thích hợp với khí hậu ôn đới nhưng cũng đã được "thuần hóa". 

Dự kiến, vụ Đông năm nay, huyện Gia Lộc có khoảng 400ha rau màu được bao tiêu, tập trung tại các vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở các xã Lê Lợi, Đồng Quang, Phạm Trấn, Toàn Thắng, thị trấn Gia Lộc… Khoảng 100ha trong số đó được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều hợp tác xã còn triển khai mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GlobalGAP để hướng tới mục tiêu đưa nông sản xuất ngoại.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc vận chuyển rau để cung cấp cho hệ thống siêu thị thường xuyên bị gián đoạn; nhiều khách sạn, nhà hàng bị đóng cửa do dịch bệnh nên cũng tạm dừng thu mua nông sản, nông dân nơi đây đã mạnh dạn học cách bán hàng online, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Dưa lưới, dưa chuột lần lượt được khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố khác liên hệ đặt hàng. Đặc biệt là khi rau màu Gia Lộc được lên sàn thương mại điện tử Vỏ sò (Voso.vn), bà con nông dân thoát khỏi cảnh trắng tay khi nông sản khó có thể tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Dương Cầm