Ý chí tự vươn lên thoát nghèo là cực kỳ quan trọng

- Thứ Ba, 29/04/2014, 16:23 - Chia sẻ
Việc khơi dậy, phát huy ý chí tự vươn lên thoát nghèo của người nghèo là cực kỳ quan trọng. Đây chính là nguồn lực to lớn nhất, bền vững nhất cho giảm nghèo. Từ các đặt vấn đề như vậy, chính sách giảm nghèo cũng phải được thiết kế để thực sự huy động được lòng mong muốn thoát nghèo, tinh thần lao động sáng tạo, cần cù, chịu khó để vươn lên của người nghèo. Đó là chia sẻ của Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng với PV Báo ĐBND.

-UBTVQH vừa kết thúc đợt giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012. Qua giám sát, Ông có thể cho biết đánh giá về thực trạng giảm nghèo theo chuẩn quốc gia, quốc tế ?
 
- Chúng tôi nhận thấy, qua đợt giám sát vừa qua, theo đánh giá chung của các bộ, ngành cũng như thực tế giám sát tại địa phương, nhìn từ cấp quốc gia thì mức độ giảm nghèo được ghi nhận mạnh mẽ và ấn tượng cả theo chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế. Theo chuẩn nghèo quốc tế, tính theo mức 2 USD/người/ngày, số người nghèo năm 1993 khoảng 62,1 triệu người thì đến năm 2012 chỉ còn 11,5 triệu người (giảm 81,5% tương ứng là 50,6 triệu người đã thoát nghèo). Tính theo mức 1,25 USD/người/ngày, số người nghèo năm 1993 khoảng 48,4 triệu người và đến năm 2012 chỉ còn 2,9 triệu người (giảm 94% tương ứng 45,5 triệu người đã thoát nghèo). Nếu tính theo chuẩn do Ngân hàng Thế giới và Tổng cục thống kê đang áp dụng, số người nghèo năm 1993 khoảng 40,5 triệu và đến năm 2012 còn 15,3 triệu người). Nếu tính theo chuẩn nghèo quốc gia, tỷ lệ nghèo còn thấp hơn nữa, năm 2005 là 22,31%; năm 2010 là 14,2% và 9,6% vào cuối năm 2012 tương ứng với khoảng 2,1 triệu hộ nghèo.

-Vậy ông nhìn nhận như thế nào về việc thực hiện các chỉ tiêu cụ thể giảm nghèo theo các Nghị quyết của QH?
 
- Đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo trong các nghị quyết của Quốc hội cho thấy, giai đoạn 2005 - 2012 tỷ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu. Về quy mô, giảm nghèo diễn ra ở tất cả các vùng, miền, thành thị và nông thôn. Năm 2005 có 6 vùng tỷ lệ nghèo ở mức trên 20%, năm 2010 có 4 vùng tỷ lệ nghèo trên 20% thì đến năm 2011 chỉ còn 2 vùng có tỷ lệ nghèo hơn 20% (miền núi Đông Bắc và miền núi Tây Bắc) và đến 2012 chỉ còn miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo 28,55%.
 
Một vấn đề nữa chúng tôi thấy qua đợt giám sát, đó là tốc độ giảm nghèo khu vực thành thị nhanh hơn khu vực nông thôn (nếu tính từ năm 1993 đến 2012, tỷ lệ nghèo thành thị giảm 4,6 lần trong khi khu vực nông thôn chỉ giảm 3 lần). Bên cạnh đó, tỷ lệ nghèo giữa các vùng, miền còn khoảng cách khá lớn. Tình trạng nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao và vẫn là một trong những khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Đồng thời, chưa có sự quản lý, đánh giá và biện pháp giảm nghèo đối với vùng hay bị thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán…).
 
-Qua giám sát, theo ông, trong chính sách giảm nghèo, chính sách nào thực hiện mang lại hiệu quả nhất?
 
 Qua giám sát và ý kiến của người dân cho thấy, các chính sách hỗ trợ về y tế,  giáo dục và tín dụng ưu đãi được đánh giá có tác động tích cực và sẽ gắn lâu dài với quá trình giảm nghèo ở nước ta. Chính sách hỗ trợ cải tạo, sửa chữa và xây mới nhà ở cho người nghèo với cơ chế 3 bên tham gia giúp ổn định lâu dài về nơi ăn, chốn ở cần được tính toán để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới với định mức, cách thức phù hợp hơn.
 
-Điều kiện, đặc thù và cách vượt nghèo của từng vùng, miền, mỗi dân tộc có những điểm khác nhau, nhưng chính sách thì lại chung. Vậy thưa ông có sát với thực tiễn ?
 
- Thực tế hiện nay chính sách về giảm nghèo được chia thành hai nhóm chính: Nhóm chính sách chung gồm: chính sách tín dụng; hỗ trợ sản xuất, đất sản xuất và hỗ trợ trồng rừng, phát triển nghề, tạo việc làm; hỗ trợ nhà ở; hỗ trợ giáo dục - đào tạo, hỗ trợ về y tế và trợ giúp pháp lý, hỗ trợ thông tin. Nhóm chính sách đặc thù, có hai chương trình lớn là Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo QĐ 135/1998/QĐ-TTg (gọi tắt là CT 135) và Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (gọi tắt là CT 30a).
 


Giảm nghèo vừa là mục đích, vừa là yêu cầu và cũng là chỉ tiêu gắn với phát triển KT-XH toàn diện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện công bằng xã hội. Vì vậy, theo tôi, mặc dù chưa có luật riêng nhưng chính sách, pháp luật về giảm nghèo đã được xây dựng toàn diện, đa dạng trên tất cả các hướng tiếp cận, bổ sung phù hợp với từng giai đoạn phát triển KT-XH của đất nước, linh hoạt trong việc tiếp cận người nghèo, vùng nghèo. Qua mỗi giai đoạn đều được đánh giá, tổng kết để điều chỉnh, chuyển hướng nhằm đáp ứng với những yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của giai đoạn mới.
 
-Thưa ông, liệu có hay không việc các chính sách về giảm nghèo giai đoạn 2005- 2012 có sự chồng chéo, dàn trải, trùng lắp?
 
Thực tế giám sát tại các địa phương cho thấy, bên cạnh những hỗ trợ giảm nghèo áp dụng chung cho tất cả các hộ nghèo trên cả nước, nhiều khoản hỗ trợ đã được thực hiện dành riêng cho một số nhóm đối tượng đặc thù, ví dụ như dành cho các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng đặc biệt khó khăn, 62 huyện nghèo nhất. Một số chính sách được áp dụng cho các vùng lãnh thổ nhất định như vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, vùng Duyên hải miền Trung, hay như chỉ dành riêng cho các xã ATK, các xã biên giới, hải đảo.
 
Chính do nhiều loại hoạt động hỗ trợ áp dụng cho các nhóm đối tượng đặc thù cũng tương tự như các hoạt động hỗ trợ áp dụng chung cho các hộ nghèo trên toàn quốc đã gây ra sự trùng lắp về đối tượng hưởng lợi mặc dù nhiều tỉnh đã cố gắng áp dụng các giải pháp để giảm thiểu sự trùng lắp này. Sự chồng chéo, manh mún, chắp vá trong xây dựng chính sách nên việc điều phối khó khăn, thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành dẫn tới hệ quả phân tán nguồn lực, khó khăn trong theo dõi, giám sát.
 
-Lồng ghép các chương trình, nguồn vốn là một giải pháp nhưng thực hiện hiệu quả các mục tiêu,vùng miền. Vậy, thưa ông trong thực tế triển khai thực hiện có đáp ứng được yêu cầu đề ra?

- Để tránh trùng lặp trong thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo, trong văn bản Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đưa ra giải pháp thực hiện lồng ghép các nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn.
 
Tuy nhiên, nhiều cán bộ địa phương cho rằng trong bối cảnh thực tiễn quản lý nhà nước như hiện nay, lồng ghép các nguồn lực vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có thể là một giải pháp bất khả thi.
 
-Giảm nghèo bền vững chính là nâng cao ý thức, ý chí tự vươn lên không cam chịu cảnh nghèo khó của các người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo… Ông nghĩ sao về điều này?
 
- Điều cốt lõi của giảm nghèo bền vững là tạo sinh kế cho người nghèo, hay nói như cách nói mà lâu nay chúng ta vẫn nói là “cho cần câu và hướng dẫn cách câu” chứ không phải “cho con cá”. Chính vì vậy mà việc khơi dậy, phát huy ý chí tự vươn lên thoát nghèo của người nghèo là cực kỳ quan trọng. Đây chính là nguồn lực to lớn nhất, bền vững nhất cho giảm nghèo. Từ cách đặt vấn đề như vậy, chính sách giảm nghèo cũng phải được thiết kế để thực sự huy động được lòng mong muốn thoát nghèo, tinh thần lao động sáng tạo, cần cù, chịu khó để vươn lên của người nghèo.
 
Theo tôi cần chú ý những vấn đề sau: Phải thực sự dân chủ trong giảm nghèo, trong xây dựng và thực hiện chính sách giảm nghèo, cần tăng cường sự bàn bạc, coi trọng ý kiến của người dân, trong đó có người nghèo. Nhà nước, xã hội, cộng đồng hỗ trợ, hướng dẫn, còn làm những cái gì, làm như thế nào để thoát nghèo thì nên để cho người dân tự quyết định. Trong các chính sách giảm nghèo cụ thể, chú trọng việc dạy nghề, tạo việc làm và chính sách tín dụng, trong đó lựa chọn những nghề thiết thực, phù hợp đồng thời khuyến khích, ưu đãi những doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tạo nhiều việc làm, thu hút lao động là người nghèo. Cần phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn).
 
- Xin cảm ơn ông!

Văn Thăng thực hiện