Quy định các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ giáo dục

Yêu cầu cần thiết quản lý giáo dục

- Thứ Sáu, 20/08/2021, 06:27 - Chia sẻ
Trên cơ sở quy định của Luật Giáo dục và thực tiễn địa phương, việc HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết 101/2021/NQ-HĐND về quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập, các cấp học từ năm 2021 - 2022 trên địa bàn là rất cần thiết. Mục đích nhằm tạo thuận lợi, thống nhất trong các cơ sở giáo dục về các khoản thu; đồng thời, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch các mức thu trong các cơ sở giáo dục công lập.

Quyết sách cần thiết

Luật Giáo dục năm 2019, Khoản 6, Điều 99, quy định: “HĐND cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục trên cơ sở đề nghị của UBND cấp tỉnh”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết 101/2021/NQ-HĐND về quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập, các cấp học từ năm 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh.

Trong bối cảnh tiền thu học phí tại các cơ sở giáo dục công lập chỉ hỗ trợ một phần cho các hoạt động tại nhà trường, nhiều năm qua, các trường học tại địa phương phải thực hiện việc thu thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh để hỗ trợ các hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, vì là “thỏa thuận” nên ở các cơ sở giáo dục công lập có nhiều khoản thu, mức thu khác nhau. Bên cạnh nhiều khoản thu cần thiết, một số khoản thu có mức chi chưa phù hợp đã tạo dư luận không tốt, gây khó khăn cho công tác quản lý. Mặt khác, một số cơ sở giáo dục mặc dù có đủ điều kiện tổ chức các dịch vụ giáo dục, phụ huynh học sinh mong muốn con em mình được tham gia các hoạt động giáo dục nhưng không có hành lang pháp lý nên không thể triển khai cũng gây ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh và học sinh.

Vì vậy, trên cơ sở quy định của Luật Giáo dục và thực tiễn địa phương, việc ban hành quy định về mức thu các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ giáo dục đối với các cơ sở giáo dục công lập là rất cần thiết. Mục đích tạo thuận lợi, thống nhất trong các cơ sở giáo dục về các khoản thu, đồng thời đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, hiệu quả quản lý và bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch các mức thu trong các cơ sở giáo dục công lập.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Quảng Trị làm việc với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Hải Lăng

Ảnh: M.Nhi

Bảo đảm phù hợp năng lực huy động, nhu cầu các vùng miền

Theo đó, Nghị quyết quy định một số khoản thu đã thực hiện phổ biến ở các bậc học. Đồng thời, xuất phát từ thực tế nhu cầu giáo dục nâng cao của các bậc học, Nghị quyết cũng đã cho phép các khoản thu để thực hiện các chương trình giáo dục tăng cường, bao gồm các môn năng khiếu, giáo dục kỹ năng mềm; dạy học phát triển năng khiếu thể dục thể thao... Tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; các dịch vụ trải nghiệm, giáo dục ngoài giờ lên lớp... Đây là các hoạt động qua khảo sát tại các trường ngoài công lập trên địa bàn có điều kiện thực hiện tốt hơn so với các trường công lập, vì công tác điều hành và điều kiện cơ sở vật chất được trang bị toàn diện hơn.

Qua khảo sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Quảng Trị, cơ quan chủ trì thẩm tra đề án nhận thấy việc thực hiện các khoản thu, mức thu ở các vùng thành phố, thị xã, nông thôn, đồng bằng có nhiều sự khác nhau. Đối với nhiều địa phương của các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn thì việc thực hiện một số mức thu như trên không phổ biến, thậm chí đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn, việc thu học phí tại các cấp học cũng còn nhiều khó khăn. Mức thu còn nhiều chênh lệch, như tiền ăn bậc mầm non, phổ thông ở vùng miền núi chỉ từ 10 - 15 ngàn, nhưng ở các khu vực đô thị thì 20 - 25 ngàn.

Khi được hỏi vì sao trong báo cáo nêu rõ việc thu học phí còn nhiều khó khăn, có nhiều trường học không thu được học phí của học sinh nhưng ngành Giáo dục huyện lại đồng tình cao với Dự thảo Đề án quy định các mức thu của Sở Giáo dục trình, Trưởng phòng Giáo dục - đào tạo huyện Đakrông Nguyễn Sĩ Huấn cho biết: Việc quy định các khoản thu là cần thiết đối với công tác quản lý hoạt động giáo dục hiện nay, Dự thảo quy định là mức thu tối đa. Vì vậy, thực hiện có thể thấp hơn, không bắt buộc phải thực hiện tất cả các khoản thu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch các mức thu trong các cơ sở giáo dục công lập tại địa phương.

Từ thực tiễn đó, cơ quan thẩm tra đề án đã đề nghị và được HĐND tỉnh chấp thuận ghi rõ vào nội dung tổ chức thực hiện của Nghị quyết đề nghị các cấp, các ngành căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để xây dựng cơ chế thu, chi phù hợp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với năng lực huy động, nhu cầu tại các vùng miền, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và không vượt quá các khoản thu, mức thu tối đa do HĐND tỉnh ban hành. Chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ, có chính sách miễn, giảm đối với các đối tượng hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong việc thực hiện các khoản thu.

ĐẶNG MAI NHI - PHÓ TRƯỞNG BAN VĂN HÓA - XÃ HỘI HĐND TỈNH QUẢNG TRỊ