Tăng cường quản lý tài nguyên nước để phát triển bền vững

Yêu cầu cấp bách

- Thứ Tư, 17/10/2018, 09:20 - Chia sẻ
Quản lý tài nguyên nước bền vững đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi Việt Nam chỉ chủ động được chưa tới 30% nguồn nước, gần 70% còn lại là lượng nước phát sinh từ bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Việc coi trọng các ứng xử, quản lý, khai thác hiệu quả nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ phát triển được xem là một trong những giải pháp cần ưu tiên hàng đầu hiện nay.

“Quốc gia thiếu nước”

Số liệu thống kê cho thấy, bình quân lượng nước nội sinh theo đầu người ở Việt Nam mới đạt khoảng 3.400m3/người/năm; dự kiến đến năm 2020 còn khoảng 2.830m3/người/năm. Nếu theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Tài nguyên nước thế giới, bình quân đầu người dưới 4.000m3/người/năm, thì nước ta được coi là quốc gia thiếu nước. Hiện gần 2/3 lượng nước của nước ta được hình thành từ bên ngoài lãnh thổ, nhưng chưa có cơ chế, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia có chung nguồn nước, trong khi các quốc gia ở thượng nguồn đang tăng cường các hoạt động khai thác, sử dụng.

Đáng lo ngại, nguồn nước hiện nay lại phân bố không đều giữa các vùng, miền, cụ thể như: phần lãnh thổ từ phía bắc đến TP Hồ Chí Minh, nơi có 80% số dân và hơn 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng mới chỉ có gần 40% tổng lượng nước của cả nước. Tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm khoảng 61% lượng nước cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn do các quốc gia ở phía thượng nguồn phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh ở hạ lưu vực sông Mê Kông, dẫn đến nguồn nước chảy về đồng bằng sông Cửu Long suy giảm.

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế dẫn đến nhu cầu nước của các ngành kinh tế - xã hội tăng lên trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến. Sự gia tăng dân số và yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo theo nhu cầu về nước tăng lên cũng là thách thức lớn đối với sự phát triển và quản lý tài nguyên nước quốc gia. Năm 1990 nhu cầu nước cho sản xuất và tiêu dùng là khoảng 50 tỷ m³ khối/năm; năm 2010 khoảng 72 tỷ m³ khối/năm; dự báo nhu cầu nước năm 2020 là 80 tỷ m³ khối/năm. Với các thống kê như vậy, GS. TS Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, nguy cơ thiếu nước đối với Việt Nam không còn là dự báo mà đã hiện hữu ở rất nhiều vùng, miền khắp cả nước.

Đó là chưa kể các hiện tượng suy thoái đất diễn ra nhanh dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sa mạc hóa ở các tỉnh Nam Trung bộ và sụt lún làm ngập lụt vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ vai trò quan trọng của nước với cuộc sống và từ những thách thức trong quản lý tài nguyên nước đặt ra yêu cầu cấp bách tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước. Theo đó, cần phải quản lý bền vững và hiệu quả hơn các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.


Người dân Quảng Ngãi đào giếng “khủng” để tìm nước ngọt

Tìm kiếm giải pháp khả thi

Theo Tổng cục Thống kê, dự báo năm 2020 dân số Việt Nam tăng lên khoảng 98 triệu người và sẽ ổn định ở mức 120 triệu người trong vòng 2 - 3 thập kỷ sau nữa. Sự gia tăng dân số và yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống sẽ cần nhiều nước hơn cho phát triển sản xuất và dân sinh là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển và quản lý tài nguyên nước quốc gia.

Để tránh nguy cơ về an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Việt Nam đề cao việc bảo vệ và quản lý nguồn nước, coi đây là một nội hàm quan trọng của “Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” và triển khai “Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020”. Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu cơ cấu sử dụng nước phải phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phải coi sản phẩm nước là hàng hóa; sớm xóa bỏ cơ chế bao cấp, thực hiện xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước…

Để từng bước kiểm soát tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn tài nguyên nước, theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Bảy, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về cấp phép khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước, ngành tài nguyên và môi trường cần tập trung xây dựng quy hoạch tài nguyên nước. Đẩy mạnh công tác điều tra tìm kiếm nguồn nước ở vùng khan hiếm nước; nghiên cứu xây dựng để sớm đưa vào hệ thống giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giám sát việc vận hành của hệ thống liên hồ chứa, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ thủy điện…

Đề cập đến những giải pháp cụ thể đối với an ninh nguồn nước, GS. TS Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho rằng, cần có sự hợp tác chặt chẽ và thiện chí giữa các quốc gia để cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả nguồn tài nguyên nước. “Chúng ta cần gửi đi và thực hiện tốt thông điệp: Bảo vệ, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững là trách nhiệm của từng cá nhân và của toàn xã hội” - GS. Trần Đình Hòa nhấn mạnh.

Dù có nhiều thách thức, ngành nước Việt Nam cũng hội tụ nhiều cơ hội để phát triển. Điều then chốt là chúng ta cần định hướng quản lý cho phù hợp, xác định các chính sách bảo vệ và phát triển nguồn nước và hơn hết, cần nỗ lực hơn nữa trong việc thay đổi nhận thức của toàn cộng đồng về giá trị của tài nguyên nước, về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước để các chính sách quản lý, bảo vệ nguồn nước thực sự đi vào đời sống.

Chi An